Khi còn là một nhà lãnh đạo trẻ mới lập nghiệp, tôi luôn vội vã. Với đầy đam mê và tầm nhìn, tôi đã vội vàng lên kế hoạch để theo đuổi, và điều này khiến tôi luôn nỗ lực để có được sự đồng thuận của người khác. Tôi đã đưa ra rất nhiều định hướng cho bản thân và đặt một vài câu hỏi đối với các định hướng này. Kết quả là tôi thường gặp sai lầm nhưng lại ít khi nghi ngờ về điều đó.
Thái độ của tôi đã thay đổi khi tôi ra quyết định sai lầm và khiến những người khác trong công ty tôi bị liên lụy. Lúc đó tôi nhận ra rằng quyết định sai lầm của một nhà lãnh đạo không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác. Điều đó làm tôi suy ngẫm. Sự trưởng thành của một cá nhân là có thể nhìn nhận sự việc vượt ra khỏi giới hạn bản thân, còn sự trưởng thành của người lãnh đạo là đặt quyền lợi của những người khác lên trên lợi ích của mình. Tôi nhận ra rằng tôi không còn là một kỵ sĩ cô độc, làm công việc riêng và yêu cầu mọi người làm theo sự sai khiến của mình. Tôi cần phải nghĩ xa hơn và nghĩ cho những người khác nữa.
NHỮNG CÂU BẠN CẦN HỎI CHÍNH MÌNH
Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ hiểu rằng câu hỏi luôn là một phần trong cuộc sống của một nhà lãnh đạo. Nhưng vấn đề là: Ai sẽ là người đặt câu hỏi? Là nhà lãnh đạo, tôi có thể cho phép người khác hỏi tôi những câu hỏi khó và quan trọng, hoặc tôi có thể chủ động và có trách nhiệm tự hỏi bản thân mình những câu hỏi này. Tôi đã nhận thức được rằng, bằng cách tự hỏi mình những câu hỏi khó, tôi có thể duy trì tính cách cầu toàn của bản thân, tăng thêm nội lực và nâng cao năng lực lãnh đạo.
Từ khi viết ra những câu hỏi để tự hỏi bản thân như một nhà lãnh đạo, tôi đã xem xét và sửa đổi chúng hàng trăm lần. Nhiều câu hỏi trong số đó mang tính cá nhân, nhưng tôi tin rằng các câu hỏi này cũng có thể giúp ích cho bạn như đối với tôi. Tôi chia sẻ chúng với bạn để bạn có thể tự xây dựng được danh sách câu hỏi cho chính bản thân mình.
1. Tôi có đang đầu tư vào bản thân mình?
– câu hỏi cho sự phát triển bản thân
Việc đầu tư quan trọng nhất mà bạn và tôi luôn thực hiện là cho chính chúng ta. Sự đầu tư đó quyết định chúng ta sẽ nhận lại những gì từ cuộc sống này. Người thầy Jim Rohn của John Earl Shoaff đã nói với ông: “Jim, nếu anh muốn được giàu có và hạnh phúc, hãy nhớ lấy điều này: nỗ lực học cách trau dồi bản thân tốt hơn là nỗ lực làm việc.” Jim đã học được điều đó. Như ông đã từng chia sẻ: “Những cuốn sách bạn không đọc không thể giúp bạn; hội thảo bạn không tham gia không thể giúp bạn thay đổi cuộc sống. Công việc kinh doanh sẽ phát triển mạnh hơn khi bản thân bạn tốt hơn. Đừng bao giờ hy vọng mọi việc có thể dễ dàng hơn, hãy hy vọng bản thân mình có thể trở nên tốt hơn.”
Những yếu tố sẽ quyết định xem bạn sẽ đầu tư vào bản thân mình thế nào:
Hình ảnh phản chiếu của bản thân: Bạn nhìn thấy bản thân mình như thế nào?
Bạn tự cảm thấy bản thân mình như thế nào? Bạn là người tích cực? Hay bạn là người tiêu cực? Trong thang điểm từ 1 đến 10, bạn chọn mức điểm mô tả chính xác nhất cách bạn cảm nhận về bản thân mình? Hãy dành ít phút và đánh giá chính mình. Bất kỳ con số nào bạn chọn để mô tả hình ảnh của bản thân sẽ cho thấy mức độ bạn sẵn sàng để đầu tư cho bản thân. Ví dụ, nếu bạn tự đánh giá hình ảnh của mình đạt 5 điểm, bạn sẽ sẵn sàng đầu tư vào bản thân lên đến mức độ 5, nhưng không hơn mức này. Đó là lý do tại sao những người tự đánh giá thấp hình ảnh bản thân sẽ không đầu tư nhiều. Đó không phải là những gì ngăn cản bạn đầu tư vào bản thân mình, mà đó là những gì bạn nghĩ về mình. Bạn sẽ không bao giờ đặt cược vào chính mình trừ khi bạn tin vào chính mình.
Ước mơ của bạn: Làm thế nào bạn thấy tương lai của mình?
Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách “Put your dream to the test” (“Trắc nghiệm ước mơ”), mong muốn của tôi là giúp mọi người đạt được những bước tiến lớn để hiện thực hóa ước mơ của họ. Nhưng điều tôi đã không nhận ra cho đến khi cuốn sách được viết xong và khi tôi bắt đầu đọc nó là: rất nhiều người không có ước mơ. Tôi thực sự bị sốc. Cuộc sống của tôi luôn đầy ắp hy vọng, ước mơ và khát vọng. Vì thế, tôi tưởng rằng mọi người ai cũng có ít nhất một ước mơ. Tôi đã sai. Tại sao điều đó quan trọng? Bởi vì độ lớn của ước mơ sẽ quyết định độ lớn của vụ đầu tư của bạn. Nếu ước mơ của bạn lớn, bạn sẽ đầu tư vào chính mình để đạt được nó. Nếu bạn không có ước mơ, bạn có thể không đầu tư gì vào bản thân.
Bạn bè của bạn: Những người khác nhìn nhận về bạn như thế nào?
Diễn giả truyền cảm hứng Joe Larson đã từng nói: “Các bạn tôi không tin tôi có thể trở thành một diễn giả thành công, vì vậy tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó. Tôi kết giao với một số người bạn mới.” Điều đó có vẻ khó nhưng là những việc cần làm cho những ai bị những người không tin vào họ vây quanh.
Một trong những quyết định phát triển quan trọng nhất của tôi là mở rộng tầm nhận thức của mình, tìm ra và trợ giúp những người có khát vọng phát triển bản thân giống mình. Lúc đó tôi chỉ mới 33 tuổi, và tôi đã từ bỏ tất cả những thứ quen thuộc và những người tôi biết. Quyết định đó cần lòng can đảm. Thật sự, nếu tôi ở lại đó, tôi sẽ không thể nào vươn lên tầm cao mới.
Mọi người đều cần người khác truyền cảm hứng và giúp mình phát triển. Bác sĩ truyền giáo Albert Schweitzer khẳng định: “Trong cuộc đời mỗi con người, tại một số thời điểm, ngọn lửa bên trong chúng ta sẽ lụi tàn. Sau đó, nó sẽ bùng cháy khi chúng ta gặp một người khác. Chúng ta đều phải biết ơn những người đã nhen lại ngọn lửa tinh thần trong chúng ta”. Nếu bạn có những người bạn giúp bạn thắp lên ngọn lửa ấy, bạn là người rất may mắn; họ sẽ khiến bạn luôn muốn đầu tư vào bản thân và phát triển. Nếu bạn chưa gặp được những người đó, hãy đi tìm, điều quan trọng nhất đối với tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo là sự phát triển bản thân hằng ngày của bạn.
2. Tôi có thực sự quan tâm đến người khác?
– câu hỏi về động lực
Có người từng nói: “Con người có hai lý do để làm bất cứ điều gì, một lý do tốt và một lý do thật sự.” Muốn trở thành một nhà lãnh đạo tốt khi ứng xử với mọi người, lý do tốt phải giống như lý do thực sự. Động cơ của bạn giữ vai trò rất quan trọng.
Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, hoặc muốn trở thành một nhà lãnh đạo, bạn cần phải tự hỏi mình tại sao. Có một sự khác biệt lớn giữa những người muốn lãnh đạo vì thực sự quan tâm và mong muốn giúp đỡ người khác với những người chỉ muốn làm lãnh đạo để giúp chính mình. Người lãnh đạo vì những lý do ích kỷ của cá nhân sẽ tìm kiếm:
◆ Quyền lực: Họ thích kiểm soát và sẽ tiếp tục gia tăng giá trị cho mình bằng cách làm giảm giá trị của những người khác.
◆ Chức vụ: Tước vị nuôi dưỡng bản ngã của họ. Họ luôn đảm bảo rằng những người khác hiểu quyền lực của họ và họ biết quyền lợi của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo.
◆ Tiền bạc: Họ sẽ lợi dụng mọi người và bán mình cho lợi ích tài chính.
◆ Uy tín: Đối với họ, bề ngoài tốt được coi là quan trọng hơn là làm người tốt và làm việc tốt.
Nhà lãnh đạo rất dễ mất tập trung. Đó là lý do tại sao tôi cần phải kiểm tra lại động lực của mình mỗi ngày. Tôi không bao giờ muốn đặt cương vị lãnh đạo của mình lên trên các nhân viên.
Các nhà lãnh đạo thiên bẩm có những khả năng mà họ có thể dễ dàng sử dụng cho lợi ích cá nhân. Họ nhìn thấy mọi thứ trước khi người khác nhìn thấy, và họ thường nhìn thấy nhiều hơn những gì người khác có thể thấy. Kết quả là họ có thể tính toán thời gian hợp lý và nhìn thấy bức tranh tổng thể. Điều đó cho phép họ tận dụng tối đa các cơ hội.
Nếu tôi nhìn thấy điều gì đó trước bạn, tôi có thể bắt đầu trước, và điều đó thường đảm bảo rằng tôi sẽ chiến thắng. Nếu tôi nhìn thấy nhiều hơn bạn, các quyết định của tôi sẽ có thể tốt hơn của bạn. Tôi giành chiến thắng một lần nữa! Vì vậy câu hỏi cần đặt ra không phải là: “Liệu các nhà lãnh đạo có lợi thế hơn những người khác không?”, vì câu trả lời chắc chắn là có. Câu hỏi cần đặt ra là: “Nhà lãnh đạo sẽ sử dụng lợi thế đó cho lợi ích cá nhân hay vì lợi ích của tất cả mọi người trong tổ chức?”. Đó là lý do tại sao tôi phải tự hỏi liệu mình có thật lòng quan tâm đến những người khác hay không. Điều đó giúp tôi kiểm soát tính ích kỷ và giữ cho động cơ của mình luôn trong sáng.
Các nhà lãnh đạo luôn có nguy cơ lạm dụng quyền lực của họ. Đó là lý do tại sao khi tôi diễn thuyết trước các lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc, tôi đã nói chuyện về chủ đề “Ba câu mọi người hỏi lãnh đạo của họ”. Ba câu hỏi đó là:
◆ Anh có thể giúp tôi không? Đó là câu hỏi về năng lực.
◆ Anh có quan tâm đến tôi không? Đó là câu hỏi về lòng trắc ẩn.
◆ Tôi có thể tin tưởng anh không? Đó là câu hỏi về nhân cách.
Lưu ý rằng hai trong số ba câu hỏi trên xoay quanh động cơ của nhà lãnh đạo. Nếu cấp dưới quan tâm đến động lực của nhà lãnh đạo thì bản thân nhà lãnh đạo cũng nên như vậy.
Hãy để tôi nói thêm một điều về chủ đề này: đặt câu hỏi về động cơ của bạn không giống như đặt câu hỏi về nhân cách của bạn. Nếu bạn có nhân cách tồi, động cơ của bạn có thể sẽ xấu. Nhưng nếu bạn có nhân cách tốt, bạn vẫn có thể rơi vào những động cơ xấu. Động cơ thường được gắn với các tình huống hay những hành động cụ thể. Còn nhân cách được trau dồi dựa trên các giá trị. Nếu bạn có động cơ sai trong một tình huống cụ thể, nhưng bạn có những giá trị tốt và tính cách mạnh mẽ, có thể bạn sẽ phát hiện mình đã sai ở đâu và có cơ hội để sửa chữa nó.
Khi các nhà lãnh đạo học và sống trên nền tảng các giá trị tốt đẹp, họ sẽ gia tăng giá trị cho mình và cho mọi người. Đó là nền tảng của lãnh đạo tích cực.