Mặt tốt của việc làm kẻ xấu

Tám mươi năm trước, các nhà khoa học đã tiến hành một trong những nghiên cứu dài nhất và phức tạp nhất để hiểu về hành vi con người. Họ đã mất gần 50 năm để hoàn thành. Nhưng công trình nghiên cứu của họ đã định nghĩa toàn bộ về lĩnh vực tâm lý học.

Cuộc nghiên cứu bắt đầu với ý tưởng rằng: Con người có những tính cách nền tảng khác nhau; những nét tính cách này được thừa hưởng và khá ổn định trong suốt cuộc đời họ. Đó cũng chính là ý tưởng về nhân cách con người.

Vấn đề là, số lượng hành vi của con người nhiều không đếm xuể, làm sao ta biết được cái nào do tính cách quyết đình, còn cái nào là do những yếu tố bên ngoài chi phối?

Để kiểm tra và tìm ra được những nét tính cách ổn định, các nhà nghiên cứu sẽ phải lập một danh sách bao gồm tất cả những hành vi mà con người có thể thực hiện và đo chúng ở nhiều người khác nhau trong một khoảng thời gian rất dài để từ đó có thể xác định đâu là những hành vi gắn với nhân cách nền tảng và đâu là những hành vi phát sinh do môi trường.

Dự án nghiên cứu bắt đầu khá khiêm tốn. Vào năm 1936, Gordon Allport và Henry Odbert lôi ra một cuốn từ điển và đọc qua tất cả các mục, viết ra giấy tất cả những từ diễn tả hành vi của con người.

Nhưng bước này rất quan trọng bởi vì hiểu biết của ta về hành vi con người gắn chặt với từ ngữ. Vì vậy, để có thể lấy mẫu những hành vi có ý thức của con người, ta phải xem hết cả một cuốn từ điển.

Cuối cùng, họ tổng hợp được một danh sách bao gồm 4500 từ diễn tả hành vi của con người. Tất cả mọi thứ con người làm từ những việc bình thường đến những việc kỳ dị như bái vật, liếm giày,… nếu như chúng có trong từ điển vào thời đó.

Bước tiếp theo là xem lại danh sách và nhóm những từ ấy vào những nhóm lớn và khát quát nhất có thể. Những từ như “nhiều chuyện”, “văn vẻ”, “lắm mồm”, “nói nhiều” có thể được đưa vào nhóm “nói nhiều”. Những từ như “rầu rĩ”, “than vãn” và “tự thán” có thể được xếp vào nhóm “u sầu”. Vân vân.

Việc này tốn gần 10 năm. Và sau đó một nhà Tâm lý học tên Raymond Cattell xuất hiện. Ông dựa trên nghiên cứu của Allport và Odbert để rút ra 16 nét tính cách nền tảng góp phần quyết định mọi hành vi của con người. Nhưng qua thời gian, người ta càng thấy rõ rằng có nhiều nét tính cách trong số này cứ xuất hiện rồi mất đi ở một người và/hoặc chịu chi phối của hoàn cảnh sống, còn lại thì vẫn giữ nguyên. Mỗi lần một nét tính cách nào đó bị phát hiện là dao động quá nhiều, các nhà tâm lý học sẽ loại nó ra.

Và kết quả họ thu được vào những năm 1960 là 5 nét tính cách ổn định: hướng ngoại (extraversion), cởi mở (open to new experience), dễ chịu (agreeableness), tận tâm (conscientiousness) và nhạy cảm (neuroticism). Những nét tính cách này được cho là có thể giải thích được mọi hành vi của con người. Nhưng phải mất thêm 20 năm nữa họ mới có đủ nghiên cứu và dữ liệu để bảo vệ luận điểm này.

Đến những năm 1900, họ đã có đủ dữ liệu và mọi người tổ chức một buổi ăn mừng lớn. Đúng hơn là, những người hướng ngoại đã tổ chức một buổi ăn mừng lớn. Và điều này cũng khiến những người có tính nhạy cảm cao phải một phen lo lắng vì không biết nên mặc gì.

5 thành tố nhân cách này về sau được biết đến với tên gọi Mô hình tính cách 5 yếu tố (Big Five Personality Traits) và trở thành một trong những công cụ đo lường nhân cách vững chắc và khoa học nhất trong lĩnh vực Tâm lý học – một ngành mà, nếu bạn chưa biết, không có được nhiều những công cụ đo lường như vậy.

5 loại hình tính cách này khá ổn định trong cuộc đời mỗi con người. Chúng vẫn tồn tại dù con người trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Các yếu tố gen cũng góp phần tạo nên những tính cách này. Chúng góp phần định hình nên con người chúng ta, những quyết định chúng ta thực hiện, và cách chúng ta sống.

Nhìn chung, những người hướng ngoại trải nghiệm nhiều cảm xúc dương tính hơn, có mạng lưới quan hệ xã hội rộng hơn, và kết quả là kiếm được nhiều tiền hơn. Những người tận tâm thì sống khỏe hơn và lâu hơn, có lẽ một phần vì tính cẩn thận của họ. Còn những người có tính nhạy cảm cao sẽ gặp nhiều khó khăn với những cảm xúc mạnh mẽ và có nguy cơ bị mất việc, ly dị, trầm cảm cao hơn. Những người cởi mở với những trải nghiệm mới thường sáng tạo, mạo hiểm, theo chủ nghĩa tự do. Còn ngược lại, những người ít cởi mở thường bảo thủ và sẽ không giỏi trong việc tổ chức những buổi tiệc tùng thác loạn.

Nhưng trong 5 tính cách đó, có một tính cách nổi bật như một yếu tố quyết định sự thành công trong sự nghiệp của con người: tính dễ chịu.

Hay nói đúng hơn, là sự thiếu tính đồng thuận.

Về cơ bản, những kẻ xấu kiếm được nhiều tiền hơn. Và thường là nhiều hơn rất nhiều.

Thật đáng thất vọng khi lại có thêm chứng cứ cho thấy thế giới này bất công như thế nào phải không? Sao những kẻ xấu tính và tàn nhẫn nhất trong xã hội lại luôn là những kẻ đứng đầu?

Nhưng tôi nghĩ đó là một cách nhìn buồn bã và non nớt. Chỉ vì bạn hiền không có nghĩa bạn là người tốt. Và một người xấu tính chưa chắc đã có ác tâm.

Thực tế thì, tôi nghĩ thế giới này cần có cái nhìn công bằng hơn với những kẻ xấu. Và việc xấu tính cũng có thể là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Khi tôi nói về việc làm kẻ xấu, tôi đang nói đến việc chấp nhận bị ghét/làm người khác khó chịu. Và như bạn sẽ thấy, đôi khi làm tổn thương người khác (hay sẵn sàng làm tổn thương họ) là cần thiết, cho cả hai bên và cho một lợi ích cao cả hơn. Và tôi nghĩ rằng, nếu có thêm nhiều người có khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa tốt – xấu, thì thế giới này sẽ là một nơi tốt đẹp hơn.

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI CỦA KẺ XẤU

Giả sử có hai phe đang thỏa thuận một hợp đồng thương mại. Đây là một hợp đồng lớn và quan trọng, có khả năng đem lại một nguồn tiền lớn cho những người tham gia và đem lại lợi ích cho thế giới này.

Và giờ, giả sử một phe đã học được kỹ năng làm kẻ xấu còn bên kia thì chưa. Nói cách khác, một bên hoàn toàn sẵn sàng khiến bản thân bị ghét bỏ nếu cần thiết còn bên kia sẽ không đời nào làm vậy.

Điều gì sẽ xảy ra? Kết quả rất rõ ràng: Kẻ xấu sẽ lấn át người kia và lấy lợi về tổ chức của mình nhiều hơn. Lặp đi lặp lại điều này hàng triệu lần, qua nhiều thập kỉ và bạn sẽ có được một thế giới thống trị bởi những kẻ xấu. Chẳng có gì bất ngờ.

Vẫn với tình huống đó, nhưng lần này chúng ta sẽ có hai người tốt tính – cả hai người đều không dám để người khác ghét mình.

Cả hai ngồi lại với nhau, nhưng thay vì đấu tranh để giành lấy từng lợi ích cho tổ chức của mình, họ không muốn làm vậy, họ không muốn tỏ ra xấu tính, đáng ghét, ích kỷ, vì thế họ sẽ chấp nhận những điều khoản có vẻ ổn nhưng không phải tốt nhất. Hợp đồng vẫn sẽ được ký kết, nhưng kết quả sẽ không tối ưu bởi vì chẳng bên nào chịu tranh đấu, chịu thể hiện hết khả năng của mình. Và vì thế, rất nhiều giá trị sẽ bị mất đi trong quá trình thỏa thuận này.

Trong một vài trường hợp khác, cả hai bên sẽ chẳng thể đạt được thỏa thuận vì đề xuất ban đầu cách quá xa tiêu chuẩn của họ, nhưng họ lại không muốn ép buộc người kia hy sinh quyền lợi vì mình, từ đó có thể ghét mình. Thay vào đó, cả hai sẽ nhẹ nhàng nói với nhau: “Này, tôi nghĩ là thỏa thuận này không ổn lắm. Nhưng không sao, đừng bận tâm. Hãy cứ ăn uống vui chơi cho thoải mái trước đã nhé!”

Tình huống giả định thứ ba là: cả hai bên đều là những kẻ xấu tính. Cả hai bên đều sẵn sàng cho người khác ghét mình. Và họ không chỉ sẵn sàng tranh đấu để giành lấy quyền lợi nhiều hơn cho phe mình, mà họ còn tranh đấu đến cùng. Họ liên tục công kích người kia vì họ biết rằng điều này sẽ khiến người kia mệt mỏi và đầu hàng dễ hơn.

Điều lạ là, chính tình huống khó chịu này lại là nơi mà những kết quả tối ưu nhất được tạo ra. Hai bên sẽ đẩy cuộc tranh đấu xa đến mức mà chẳng bên nào cảm thấy hài lòng về kết quả đạt được dù nó có tốt thế nào. Cả hai đều sẽ cảm thấy như bị thiệt thòi điều gì đó nhưng thật sự thì thỏa thuận cuối cùng đã đem đến kết quả tốt hơn cho cả hai, bởi vì họ đã không để bất cứ một khía cạnh nào bị bỏ sót trong quá trình tranh luận.

Và vì thế mà những kẻ ta thấy đáng ghét thường là những kẻ đứng đầu. Nhưng đó là vì trong những tình huống quan trọng, việc sẵn sàng hy sinh sự yêu thích của người khác dành cho mình có thể mang lại lợi ích cao hơn là cố làm hài lòng mọi người. Đôi khi việc sếp nghĩ bạn là một tên khốn cũng tốt (bạn khốn nạn, nhưng bạn được việc). Đôi khi bạn bè nghĩ rằng bạn là một kẻ xấu tính cũng có lợi (điều kỳ lạ là, chính vì vậy mà họ tin tưởng bạn hơn). Và bạn đã bao giờ cố chia tay một người mà không làm tổn thương họ chưa? Vâng, đó là một việc bất khả thi. Vì vậy mà những người hiền lành, không nỡ tổn thương người khác thường bị mắc kẹt trong những mối quan hệ tiêu cực lâu hơn.

Giờ hãy tóm tắt lại những ý chính:

Công việc càng quan trọng, thì rủi ro càng cao.
Rủi ro càng cao, cảm xúc của con người về kết quả càng mãnh liệt hơn.
Cảm xúc về kết quả càng mãnh liệt, sẽ càng khó khăn hơn trong việc sẵn sàng làm người khác buồn bực hay nói ra những điều mà họ không muốn nghe.
Vậy nên, công việc càng quan trọng, thì khả năng chấp nhận làm kẻ xấu trong mắt người khác càng cần thiết hơn.

KẾT LUẬN: Hãy học cách làm kẻ xấu tính.

Đây là một kỹ năng bị xem thường. Đây là kỹ năng mà không xã hội hay nền văn hóa nào muốn đề cao bởi vì nó gây ra những cảm xúc khó chịu. Nhưng nó lại là một phần quan trọng của thế giới này. Nó sẽ đúng là thế nếu những kẻ xấu biết tuân thủ quy tắc đạo đức của việc làm kẻ xấu.

CÁCH TRỞ THÀNH MỘT KẺ XẤU CÓ ĐẠO ĐỨC

Khi chúng ta nghĩ về những kẻ xấu xa, đáng ghét, chúng ta thường nghĩ về những kẻ thiếu đạo đức. Họ nói dối, lừa gạt, ăn cắp, bất cứ điều gì chỉ để đạt được điều mình muốn.

Đúng, đó là những kẻ xấu. Nhưng đồng thời cũng là những kẻ thiếu đạo đức. Hãy xem xét lại điều trên dưới dạng câu hỏi SAT:

Những kẻ thiếu đạo đức thì đáng ghét
Những kẻ đáng ghét là kẻ xấu

Mệnh đề sau đây ĐÚNG hay SAI: Mọi kẻ xấu đều thiếu đạo đức:

A.   ĐÚNG (Tôi dở môn logic học lắm.

B.   ĐÚNG (Tôi thích thì tôi nói nó đúng)

C.   Không ĐÚNG cũng chẳng SAI (câu hỏi này xúc phạm đến những quan điểm tôn giáo của tôi)

D.    SAI (Mặc dù tất cả những kẻ thiếu đạo đức đều đáng ghét, nhưng chưa chắc tất cả những kẻ xấu đều thiếu đạo đức)

Đáp án đúng là D.

Vâng, thật sự là có những kẻ xấu có đạo đức. Và tôi cũng sẵn sàng khẳng định rằng những kẻ xấu tính nhưng có đạo đức là báu vật của mọi quốc gia. Chúng ta cần những kẻ xấu có đạo đức vì họ là thế lực mạnh mẽ bảo vệ ta khỏi những kẻ xấu phi đạo đức.

Giờ cứ cho là bạn đã có đạo đức sẵn rồi đi, vậy làm sao để trở nên xấu tính một chút?

Như chúng ta đã biết, có những người bẩm sinh đã vậy. Họ là những người có tính dễ chịu thấp. Họ nghĩ con người nói chung khá là tệ hại rồi, nên họ cũng chẳng buồn quan tâm liệu người khác có ưa họ hay không.

Nhưng còn những người có tính đồng thuận cao thì sao? Với họ, việc trở nên xấu tính là một kỹ năng cần phải luyện tập. Như cách mà một người bẩm sinh hướng nội cần phải học một số kỹ năng hướng ngoại để thích nghi với xã hội, thì người đồng thuận cũng cần học một số kỹ năng để không dễ đồng thuận những khi cần thiết.

Sau đây là một số bước để có thể tập dần cách làm người xấu tính :

1.   QUYẾT ĐỊNH THỨ GÌ QUAN TRỌNG HƠN CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC

Hầu hết mọi người bị dẫn dắt bởi cảm xúc – của bản thân lẫn người khác. Nhiều người thậm chí còn chẳng biết điều này vì họ không dừng lại để suy ngẫm. Nhưng, như tôi đã nói, nếu bạn để cho cuộc đời bạn bị dẫn dắt bởi quá nhiều những quyết định cảm tính, bạn sẽ dần bị mắc kẹt vào những thứ không tốt cho bản thân.

Bí quyết để có thể sẵn sàng làm tổn thương người khác khi cần thiết chính là hiểu được điều gì quan trọng hơn là cảm xúc của họ. Bạn có sẵn sàng làm ai đó buồn khổ để cứu một thành viên đang chết dần chết mòn trong gia đình? Có lẽ là có. Còn việc bảo vệ sự nghiệp của mình thì sao? Tôi mong là có (vài người hẳn sẽ không làm vậy). Còn việc bảo vệ đại nghĩa mà bạn cho là đúng đắn thì sao?

Những kẻ xấu thiếu đạo đức là kẻ xấu thật sự vì họ nghĩ cho bản thân nhiều hơn là cho người khác. Họ là những kẻ ích kỷ, nhìn thế giới như một nơi mà mình có thể khai thác để phục vụ cho bản thân. Và rõ ràng đó là điều không tốt chút nào. Họ thiếu đạo đức vì chính nghĩa của họ sai lầm. Tìm được đại nghĩa đúng đắn để đặt lên trên lợi ích của bản thân là bước đầu tiên để trở thành một kẻ xấu có đạo đức.

2.   THOẢI MÁI VỚI NHỮNG CẢM XÚC KHÓ CHỊU

Hầu hết những người quá hiền lành nghĩ mình tốt bụng bởi vì họ thấy mình là người rất quan tâm đến cảm nhận của người khác. Họ tự nhủ với bản thân: “Tôi sẽ không bao giờ nói như vậy với bạn ấy, vì điều đó sẽ khiến bạn ấy buồn lắm”. Nhưng họ chỉ đang lừa dối bản thân thôi. Họ nghĩ mình đang thực hiện một nghĩa cử cao thượng, nhưng thật ra không phải vậy.

Họ không muốn nói điều khiến người bạn kia buồn vì điều đó sẽ khiến họ thấy khó chịu trong lòng. Chính sự thấu cảm dành cho người khác là thứ cản chân họ. Họ không dám làm tổn thương người khác dù cần thiết bởi vì sau đó họ sẽ tự dằn vặt mà họ thì lại không chịu nổi sự dằn vặt đó.

Tập làm quen với những cảm xúc dằn vặt, khó chịu và bạn sẽ ổn hơn với việc tổn thương người khác khi cần thiết. Tôi vừa nói chuyện với bạn tôi qua điện thoại. Tôi mắng anh ta một trận vì đã làm một việc ngu ngốc có liên quan đến tôi. Cảm xúc của anh ấy hiện đang rất tệ và tôi cũng thấy tệ vì mình đã gây ra cảm xúc đó cho bạn tôi. Nhưng tôi cũng biết việc chúng tôi cảm thấy như vậy là điều tốt. Bởi tôi đã làm vì đại nghĩa mà tôi tin tưởng, tôi phải giúp bạn tôi. Vậy nên tôi có thể chịu đựng được sự khó chịu này.

Nhưng để có thể làm tổn thương người bạn của mình, trước tiên tôi phải có khả năng chịu đựng được sự thương tổn.

3.    DŨNG CẢM NÓI RA SỰ THẬT MẤT LÒNG

Chúng ta đã từng gặp những tình huống khi mà ta cảm thấy cần phải nói điều gì đó quan trọng nhưng có khả năng sẽ làm người kia tổn thương. Có một sự căng thẳng khó chịu khi ta phân vân, lưỡng lự có nên nói hay không.

Hãy lập ra một quy tắc mới cho bản thân: Nếu có một việc gì đó khó nói nhưng quan trọng, thì hãy cứ nói ra. Đừng nghĩ nhiều về nó. Cứ tin rằng về lâu dài, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đã dũng cảm nói ra. Thực tế, có khả năng rằng dần dà người khác sẽ nhận ra và thầm cảm kích bạn vì đã nói cho họ nghe.

Những lần đầu tập làm kẻ xấu tính, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ kinh khủng. Nhưng sau khi tích lũy đủ phản hồi tích cực từ xã hội, bạn sẽ dần dà cảm thấy thoải mái hơn. Và nó sẽ trở nên tự nhiên hơn với bạn. Bạn sẽ là một kẻ xấu tính. Nhưng bạn cũng sẽ được người khác chấp nhận.

Bởi vì đây là một điều thú vị mà bạn sẽ nhận ra khi luyện tập kỹ năng này: sẽ có những người sẽ tìm đến bạn ở một không gian riêng tư, khi những người khác đã rời khỏi phòng, hay gọi bạn lại khi bắt gặp trên hành lang vắng, và nói với bạn sau khi chắc rằng không có ai khác chứng kiến: “Này, cảm ơn vì đã nói với mình. Mình rất cần nghe được điều này. Rất vui vì cậu đã cho mình biết.”

Điều này sẽ dần xảy ra thường xuyên hơn. Thực tế thì, những người tốt tính rất cần đến những kẻ xấu tính có đạo đức làm chỗ dựa cho mình.

Như cách mà tôi đang làm đây. Như cách mà tôi đang thẳng thừng tạt gáo nước lạnh vào mặt từng người đang đọc bài viết này đây. Cảm ơn, không có chi. Bạn có biết những kẻ xấu tính như chúng tôi đây đã bao nhiêu lần thay mặt các bạn nói những điều người khác không muốn nghe, làm những điều người khác không muốn thấy vì các bạn không dám tự lên tiếng cho chính mình không? Thỉnh thoảng hãy bật công tắc “kẻ xấu” của mình lên và làm gì đó xem nào. Giờ thì biến khỏi đây đi, tôi còn nhiều việc phải làm lắm.