Bốn nỗi đau bạn thường hay lãng quên

Và tại sao điều đó nghiêm trọng đến nỗi chúng ta gọi nó là “nỗi đau.”

Sự buồn đau đã từng được hiểu chỉ là sự phản ứng của chúng ta trước cái chết. Nhưng cách hiểu hạn hẹp đó không bao hàm hết được phạm vi những trải nghiệm của con người có thể tạo nỗi buồn. Dù không liên quan đến cái chết, đây là 4 nỗi đau mà gần như bất cứ ai trong số chúng ta cũng phải trải qua:

1.   Đánh mất bản thân: Xảy đến với những người đánh mất vai trò hay sự gắn kết với bên ngoài.

Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là:

Một người đã ly hôn cảm thấy mất mát vì họ không còn mối quan hệ vợ chồng với một ai đó nữa.

Một người sống sót qua căn bệnh ung thư vú đau khổ vì không còn có cảm giác nữ tính sau khi phải cắt bỏ cả 2 bên vú.

Người có con cái lớn lên và rời khỏi nhà cảm thấy đau buồn vì không còn có cảm giác được làm cha mẹ nữa

Một người thất nghiệp hoặc chuyển sang làm việc khác nuối tiếc vị trí cũ của mình.

Những người rời khỏi một nhóm tôn giáo cảm thấy mất mát khi nghĩ về mối liên kết và cộng đồng cũ.

Khi một người mất đi vai trò cơ bản của mình, họ sẽ đánh mất bản thân mình. Họ chìm trong đau khổ suy nghĩ về việc mình là ai và cuối cùng tạo ra một câu chuyện mới bổ sung những thứ thiếu hụt của bản thân.

Trong một vài trường hợp đặc biệt, người ta cảm thấy như thể một phần của mình bị đánh cắp, như trong hoàn cảnh của người cảm thấy bế tắc vì ly hôn và người trải qua cơn ung thư vú. Đối với họ, nỗi đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn vì sự mất kiểm soát khi đưa ra quyết định của chính mình. Một số khác chọn việc chấp nhận bỏ luôn vị trí của mình, như trong trường hợp của người nhảy việc hay là người rời khỏi cộng đồng tôn giáo của mình. Có thể những điều đó nghe thật đơn giản, nhưng chính họ mới là người cảm nhận và thấy được nỗi đau đó phức tạp, mâu thuẫn như thế nào khi họ quyết định rời khỏi một nơi để lại cho họ nhiều sự tiếc nuối. Họ sẽ cảm thấy mình không có quyền được đau buồn và đánh mất bản thân mình vì đó là những điều mà họ tự quyết định.

2. Mất cảm giác an toàn: Đánh mất cảm giác được an toàn về thể chất, cảm xúc và tinh thần.

Các ví dụ điển hình bao gồm:

Những người trải qua tổn thương về mặt thể xác, tinh thần, giới tính. Họ phải chiến đấu mỗi ngày để tìm thấy được cảm giác an toàn.

Những gia đình từng trải qua việc bị tịch thu nhà hay không ổn định được chỗ ở cảm thấy bất ổn và không được bảo vệ.

Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn cảm thấy tổn thương vì mất đi cảm giác an toàn khi có một gia đình còn nguyên vẹn (mặc dù có thể không nói rõ)

Các thành viên của một cộng đồng chạm bị ảnh hưởng bởi bạo lực cảm thấy không an toàn và bấp bênh trong cuộc sống

Một người phát hiện vợ/chồng của mình ngoại tình sẽ thấy bất an về mặt cảm xúc trong mối quan hệ đó.

Về cơ bản, chúng ta mong muốn được an toàn trong ngôi nhà, cộng đồng và mối quan hệ của mình. Việc mất cảm giác an toàn, về mặt thể chất (sau khi bị đột nhập) hoặc mặt cảm xúc (sau một mối tình nào đó) có thể khiến cuộc sống của một ai đó trở nên bất an một cách rõ ràng. Triệu chứng của việc mất cảm giác an toàn có thể bao gồm việc cảnh giác ngay cả khi không có gì nguy hiểm cả. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người bị hậu chấn tâm lý, sự tê liệt và đề phòng xảy ra theo từng đợt. Đối với những người trải qua tổn thương, bạo lực, và bất ổn, cảm giác an toàn tận sâu trong thâm tâm họ khó có thể khôi phục lại, thậm chí nếu hoàn cảnh của họ ổn định hơn. Ngoài việc cố gắng ổn định sau tổn thương, họ còn phải đối mặt với sự bất an và học cách tìm lại bình yên cho bản thân mình.

3. Mất đi sự tự chủ: Đánh mất khả năng tự làm chủ cuộc sống và mọi việc của bản thân mình.

Sau đây là một số ví dụ:

Một người bị bệnh thoái hóa cảm thấy đau khổ vì mất khả năng về thể chất hoặc nhận thức của mình.

Một người lớn tuổi không còn khả năng tự chăm sóc cho mình nữa sẽ cảm thấy buồn vì sự già yếu (điều này cũng có thể gắn liền với cảm giác đánh mất chính mình nếu đó là một người có nhiều đóng góp cho xã hội).

Một người trải qua thất bại trong tài chính cảm thấy mặc cảm dựa dẫm khi họ phải trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác.

Kiểu đau khổ này đánh vào nhu cầu kiểm soát được cơ thể và cuộc sống của mọi người. Sự mất tự chủ kích thích vào nỗi đau đến từ sự mất kiểm soát và nỗ lực để nhận thức được chính mình. Trong trường hợp bị bệnh hay khuyết tật, sự mất tự chủ (và đôi khi là đánh mất cả bản chất của mình) hiện rõ trong mỗi hành động của họ. Sức khỏe suy yếu đem lại sự đau buồn vì nó khiến người ta thấy mình không thể tự lực và thật vô dụng. Một người trải qua sự khủng hoảng trầm trọng về kinh tế có thể kinh nghiệm được cảm giác mất mát đó, biểu hiện như thể cơ hội của họ tan biến dần, song song với cảm giác thất bại hay tuyệt vọng. Họ đau buồn vì những mất mát và nhận thức lại họ là ai khi đối mặt với những điểm hạn chế đó.

4. Đánh mất ước mơ và kỳ vọng: Đối mặt với những hy vọng và mơ ước không thành.

Một số ví dụ như:

Một người hoặc một cặp vợ chồng đối mặt với việc bị vô sinh.
Một học sinh xuất sắc cố gắng tìm được chỗ đứng cho mình trong “thế giới thực”.
Một người có con đường công danh không được như những kỳ vọng của họ.
Một người mà cộng đồng của họ có sự thay đổi chính trị theo chiều hướng không mong muốn.

Đặc điểm của loại nỗi đau này là cảm giác mất phương hướng trầm trọng. Hầu hết chúng ta sống với một mong muốn riêng về cách cuộc sống của mình sẽ diễn ra như thế nào và bản thân trông chờ thế giới xoay vần ra sao. Khi những sự việc trong cuộc sống khiến mọi thứ đi ngược lại với mong muốn, một người có thể cảm nhận được sự thất vọng và bất công sâu sắc.

Một người hay một cặp vợ chồng loay hoay tìm cách để có con và một người học sinh cố gắng đi theo con đường mình mong muốn có thể trải qua cảm giác thất bại và nó sẽ làm cảm xúc của họ trở nên tồi tệ hơn. Họ có thể sẽ so sánh quá trình và kết quả mình đạt được với những người khác. Những chuyển biến chính trị bất ngờ có thể dẫn đến việc mất ý thức về những điều người ta cho là đúng và sự ổn định vì họ tin rằng họ hiểu cách thế giới đang vận hành.

Đặt từ “đau buồn” về lại đúng với nơi thích hợp của nó.

Đánh mất bản thân, sự an toàn, sự tự chủ và hy vọng đều là những mất mát chắc chắn sẽ đem đến sự đau khổ. Khóc than và đau buồn có thể giúp mỗi người trong chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống khi có ai đó gửi gắm cho ta sự dịu dàng, ân cần. Khi chúng ta trao cho một người đang đau buồn sự quan tâm và khích lệ, họ sẽ nhận lấy và cho phép mình được quyền giận hờn, buồn bã, vô hồn, mất phương hướng và dần hồi phục lại. Từ “đau buồn” vừa tóm tắt một cách chính xác những cảm xúc thật sự bên trong nội tâm, lại vừa diễn giải và cụ thể hóa quá trình đó cho chúng ta và những người khác.

Trong khi nhiều người trải qua sự thất bại và những bi kịch trong cuộc sống bằng cách đau buồn và nuối tiếc, nhiều người lại nghĩ mình không xứng đáng được làm thế.

Nên tôi cho phép bạn.

Bạn có thể đau buồn.

Bạn có thể than khóc.

Vì nỗi mất mát của bạn là có thật.