Tin tôi đi, đôi khi bạn cũng cần lười biếng

Thiên tài toàn là những kẻ lười biếng, còn tôi thì lại muốn làm thiên tài.
Xin phép mào đầu luôn: Tôi, là một con lười đúng nghĩa. Nói ra điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt nếu bạn nhìn vào số đầu sách truyền cảm hứng, hay cải thiện hiệu suất công việc mà tôi từng chắp bút. Bạn sẽ thầm nghĩ: Hóa ra tôi tự tát vào mặt mình à? Cứ bình tĩnh, tôi sẽ cho bạn câu trả lời.

 

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về một ngày nghỉ cuối tuần quen thuộc. Không phiêu lưu, không dã ngoại – thời gian rảnh của tôi chỉ phục vụ cho một mục đích thiêng liêng: nằm ườn trên ghế sofa và xem Netflix. Hoặc đọc sách. Nói không với những chuyến du lịch vòng quanh thế giới, tôi là kiểu người “ru rú ở nhà” và ăn pizza  trong kỳ nghỉ lễ – trích lời mà mẹ tôi hay nói. May mắn thay cho tôi, và thật bất ngờ cho bạn: Chính sự lười biếng đã giúp tôi làm việc đầy hiệu quả. Và trước khi bạn kịp phản pháo lại tuyên bố điên khùng ấy, hãy để tôi nhắc cho bạn một điều nho nhỏ: Khoa học cũng đứng ở phe tôi, trong cuộc chiến này.

Lười biếng – Một nghệ thuật lạc mất 

Ở đây, tôi không có ý đánh đồng sự lười biếng với việc để bản thân mình bị phân tâm bởi những câu chuyện tầm phào mọi nơi mọi lúc. Lười biếng với tôi là việc chúng ta không làm gì cả, và ta chủ đích lựa chọn điều đó. Bạn hiểu ý tôi chứ? Chọn làm gì mà không làm gì ý? Trong cái thế giới nhiễu nhương ồn ào này, cơ thể con người ta thường có xu hướng chây ì. Chúng ta lười đứng, trên đôi chân của chính mình.

 

Thay vào đó, chúng ta “vận động” bằng cách để bản thân mình làm đủ thứ trong những khoảng thời gian rảnh. Tai nghe tiếng tivi, mắt nhìn màn hình máy tính, vừa chat facebook vừa lướt web vừa check email. Những lần “vận động” đó, sẽ nhanh chóng làm cho ta mệt mỏi.

Trong mỗi phút, mỗi giây trên cuộc đời, con người chỉ có hai xu hướng chú ý: một là tập trung, hai là ngược lại. Sự chú ý tập trung chỉ xoay quanh một mục tiêu, một hành động duy nhất. Nó giúp ta hoàn thành công việc, có những mẩu chuyện trò ý nghĩa và tiếp thêm động lực cho ta trong cuộc sống. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không tập trung cũng có thể mang lại cho ta những ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy, chỉ là theo một cách khác. Tập trung giúp ta cải thiện hiệu suất làm việc. Còn không tập trung, giúp ta phát triển khả năng sáng tạo.

Những thiên tài biếng nhác

Bạn thử tự vấn lại chính mình mà xem. Những ý tưởng táo bạo nhất, đột phá nhất sẽ chẳng đến vào lúc bạn đang điên cuồng gõ máy tính cho kịp deadline, hay chăm chú cày Liên minh huyền thoại. Nó sẽ đến vào lúc bạn đang đứng dưới vòi hoa sen, nằm ườn đọc sách, đi dạo trong công viên hay dọc theo bờ biển. Nó sẽ đến, đột ngột, chớp nhoáng khi bạn nhấp một ngụm cà phê buổi sáng, và bạn biết: Đó là một ý tưởng tuyệt đỉnh kungfu.

Hoàn toàn có lý do, để bộ óc tuyệt diệu của bạn phát huy vào những giây phút như thế. Khi khả năng tập trung được nghỉ ngơi những lúc bạn tỏ ra lười biếng, trí óc sẽ thoải mái ngao du đến những vùng đất muôn màu. Một kết quả nghiên cứu về tư duy con người trong những lúc suy nghĩ vô định đã xác nhận điều này. Tương lai – chiếm phần lớn những điều mà ta nghĩ đến, với thống kê xấp xỉ 48%. Theo sau đó là hiện tại (28%) và quá khứ (12%). Vào những phút giây còn lại, trí não không ghi nhận nội dung gì rõ rệt. Nghiên cứu trên đã nhấn mạnh một điều: Khoảng thời gian để “thả trôi” bản thân, thực chất không hề lãng phí hay vô ích như nhiều người vẫn tưởng. Nó được sử dụng cho ba mục đích chính sau:

 

Nghỉ ngơi để bắt đầu chu kỳ mới

Khi nơi lỏng sự chú ý tập trung, bạn đang để bản thân mình được nghỉ ngơi và thư giãn. Và khi sự chú ý được “phân mảnh” một cách tự nhiên, năng lượng của cơ thể bạn sẽ được tái tạo, nhằm chuẩn bị sẵn sàng hơn, hiệu quả hơn cho những lần tập trung sau đó. Đó là lý do mà người ta vẫn khuyên rằng phải nghỉ ngơi là cách tốt nhất để làm việc hiệu quả, bạn vẫn còn nhớ chứ? Để nghỉ ngơi phát huy được tốt nhất vai trò “sạc điện” của nó, tôi khuyên bạn hãy tìm cho riêng mình một thói quen nhẹ nhàng mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Đó có thể là tô màu cho tranh vẽ, đi dạo mà không cần headphone hay di động. Duy trì thường xuyên những thói quen như thế, là bí kíp số một của tôi để trở nên sáng tạo.

Lập kế hoạch cho những gì sắp tới

Tôi từng đọc một nghiên cứu cho thấy khi sự chú ý được “phân mảnh”, ta thường nghĩ tới những khả năng tương lai nhiều hơn gấp 14 lần so với những lúc tập trung cao độ. Ta cũng nghĩ tới những mục tiêu dài hạn nhiều hơn 7 lần so với thông thường mỗi khi ta để cho bản thân mình lười biếng. Từ tư duy đến hành động là cả một quãng đường dài, nhưng một sự lười biếng có chiến lược, có chủ ý sẽ giúp cho tôi và bạn có thêm động lực và mục tiêu để tồn tại giữa thế giới hỗn loạn này.

Và thả trôi mình đến những điều không thực

Những suy nghĩ vẩn vơ sẽ kết nối ba vùng đất tinh thần, vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Đó là Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Sự liên kết thú vị này sẽ giúp chúng ta nảy sinh nhiều ý tưởng độc đáo và thú vị hơn nhiều so với những lúc tập trung. Một ý tưởng vốn nảy sinh trong đầu tôi vài tuần trước, nay lại bất ngờ được gợi lại trong lúc tôi đang nằm dài trên ghế. Và tuyệt diệu thay, nó chính là câu trả lời hoàn hảo cho khúc mắc mà tôi đang cần tháo gỡ. Khi dẹp bỏ bản thân mình khỏi những ràng buộc, những rào cản xung quanh, khi để đầu óc mình được lười biếng “lạc trôi” đến với những điều nó muốn, đó là lúc ta có được những ý tưởng và giải pháp tuyệt vời.

Tạm kết

Bạn hãy nhớ, bí kíp tuyệt vời nhất để làm việc hiệu quả là hãy coi nó như một cuộc đầu tư. Với mỗi phút mà bạn dành ra để cho mình lười biếng, bạn sẽ nhận lại đầy đủ về sau. Và dĩ nhiên, một chút sinh lời sẽ giúp bạn đi xa hơn, và tuyệt vời hơn thế. Với con mắt người ngoài, bạn có vẻ như đang chẳng làm gì khi lười biếng. Nhưng phía sau dáng vẻ thờ ơ ấy, là điều hoàn toàn ngược lại. Đó là cả một trí óc tuyệt diệu đang vận hành.