Thái độ của bạn đối với đồng tiền, thói quen mua sắm, suy nghĩ về việc đầu tư… đều phản ánh khả năng làm giàu của bạn.
Mặc dù tỉ phú tự thân Steve Siebold từng nói rằng “Tất cả mọi người đều có cơ hội để giàu có” nhưng việc có nắm bắt (hoặc tự tạo ra) được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào từng quyết định nhỏ trong cuộc sống của mỗi người. Trừ phi bạn được thừa hưởng một khối tài sản kếch xù đủ sống sung sướng đến cuối đời hoặc chỉ cần sống một cuộc đời đơn giản không mong cầu vật chất, nếu vẫn muốn một cuộc sống dư dả về sau, bạn nên thay đổi những thói quen sau đây.
BẠN QUÁ CHÚ TRỌNG VIỆC TIẾT TIỆM THAY VÌ TĂNG THU NHẬP HOẶC TẠO RA LỢI NHUẬN
Tất nhiên, tiết kiệm là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự giàu có, nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào việc tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu và cảm thấy hài lòng với mức thu nhập hiện tại, nghĩa là bạn chỉ đang cố gắng xoay xở trong chiếc áo chật hẹp của mình mà thôi.
Người giàu tập trung vào việc kiếm tiền, số còn lại tập trung vào việc tiết kiệm, đó là điểm khác biệt. Đúng như nhận định của Siebold: “Số đông thường tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu và sống đạm bạc, họ bỏ lỡ những cơ hội lớn”.
Bạn không cần phải từ bỏ các chiến lược tiết kiệm mà mình đã theo đuổi từ trước tới nay. Tuy nhiên, nếu muốn bắt đầu suy nghĩ như những người giàu có, hãy “ngừng lo lắng về việc hết tiền và tập trung vào việc tạo ra nhiều tiền hơn” – Siebold khuyên. Các triệu phú thường phát triển nhiều nguồn thu nhập khác nhau và có thói quen tiết kiệm thông minh. Họ sẽ không chi tiền vào những thứ không cần thiết, ví dụ như quần áo (đúng vậy, hãy nhìn Mark Zuckerberg hay Evan Spiegel mà xem). Tuy nhiên, họ sẵn sàng chi thêm tiền để tạo ra lợi nhuận gấp đôi.
BẠN CHƯA TỪNG THỬ ĐẦU TƯ
Cách nói khác của “chi thêm tiền để tạo ra lợi nhuận gấp đôi” chính là “đầu tư”. Và bắt đầu càng sớm, bạn càng bớt lo sợ, càng dễ phát hiện cơ hội và càng có thời gian để bắt đầu lại (trong trường hợp xấu nhất).
“Trung bình, các triệu phú đầu tư 20% tổng thu nhập mỗi năm. Sự giàu có của họ không đo bằng số tiền họ kiếm được mỗi năm mà bằng cách họ tiết kiệm và đầu tư theo thời gian”, Ramit Sethi viết trong cuốn sách best seller của New York Times, I Will Teach You To Be Rich.
Nếu chưa từng nghĩ đến việc đầu tư (và không dám đầu tư trong tương lai), sẽ rất khó để tiền trong tài khoản của bạn sinh sôi nhanh chóng. Tuy nhiên, đầu tư là một lĩnh vực chứa nhiều rủi ro. Hãy tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường và nếu cần, đừng ngại đăng ký một khóa học để trang bị cho mình kiến thức cần thiết trước khi bắt đầu đầu tư.
BẠN HÀI LÒNG VỚI MỨC LƯƠNG ỔN ĐỊNH
Đa số mọi người chọn được trả tiền dựa trên giờ làm việc – bằng mức lương cố định hoặc lương theo giờ. Trong khi đó, những người giàu chọn được trả tiền dựa trên kết quả và thường tự làm chủ.
Điều này không có nghĩa là những người chọn được trả lương theo giờ thì không giỏi, ngược lại, có rất nhiều người sở hữu năng suất làm việc đáng kinh ngạc trong nhóm này. Tuy nhiên, Siebold cho biết: “Đây là con chậm nhất nhưng cũng thường được biết đến là an toàn nhất. Còn những người muốn làm giàu biết rằng tự làm chủ là con đường nhanh nhất để trở nên giàu có”.
Nếu bạn cảm thấy hài lòng với một công việc bình thường và mức lương tăng khiêm tốn hàng năm, có lẽ bạn cũng nên chấp nhận một cuộc sống không mấy dư dả. Nếu không, hãy bắt đầu kinh doanh và xây dựng con đường của riêng mình hoặc đầu tư vào bản thân để tiến đến những mức lương cao hơn.
BẠN MUA NHỮNG THỨ MÀ BẢN THÂN KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG CHI TRẢ
Nếu bạn luôn sống trên mức trung bình mà bản thân có thể đáp ứng, bạn sẽ không bao giờ giàu có. Ngay cả khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn hoặc được tăng lương, đó cũng không phải lý do để bạn tăng mức sống của mình. Tất nhiên, bạn không cần phải chi tiêu dè xẻn hay keo kiệt quá mức. Chỉ cần luôn nhắc nhở bản thân hãy mua thứ mình CẦN chứ không phải thứ mình MUỐN. Chi tiêu hợp lý và thông minh sẽ giúp bạn sử dụng tiền vào những mục đích có ý nghĩa hơn.
“Tôi không mua đồng hồ xa xỉ hay xe hơi đắt tiền cho đến khi công việc kinh doanh và các khoản đầu tư của tôi tạo ra nhiều nguồn thu nhập an toàn”, triệu phú tự thân Grant Cardone chia sẻ trên trang Entrepreneur, “Tôi vẫn lái chiếc Toyota Camry khi tôi trở thành triệu phú. Bạn được biết đến bởi tinh thần làm việc, không phải bởi những món trang sức mà bạn mua”.
BẠN THEO ĐUỔI GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI KHÁC, KHÔNG PHẢI CỦA CHÍNH MÌNH
Nếu bạn muốn thành công, bạn phải yêu công việc bạn đang làm. Điều đó đòi hỏi bạn phải xác định được đam mê và quyết tâm theo đuổi nó. Thomas C. Corley, người đã dành 5 năm để nghiên cứu các triệu phú tự thân, cho biết: “Nhiều người mắc phải sai lầm là theo đuổi giấc mơ của người khác, ví dụ như giấc mơ của cha mẹ họ”.
Điều này cũng tương tự với việc bạn chọn một công việc theo trào lưu, vì những đánh giá của xã hội thay vì mong muốn của chính bản thân bạn. “Vì tôi tốt nghiệp báo chí nên nếu không thể làm việc trong một tờ báo lớn thì thật xấu hổ”, “Vì gia đình tôi có truyền thống làm giáo viên nên họ hàng sẽ vui khi tôi cũng làm công việc này”… những lý do như vậy sẽ giết chết tinh thần sáng tạo và niềm tự hào công việc của bạn.
“Khi bạn theo đuổi giấc mơ hay mục tiêu của người khác, đến cuối cùng, bạn sẽ không hạnh phúc với công việc bạn đã chọn”, Thomas viết trong cuốn Change Your Habits, Change Your Life, “Năng suất làm việc và lương thưởng của bạn sẽ phản ánh điều đó. Bạn sẽ kiếm sống một cách khó khăn, vật lộn về tài chính. Đơn giản vì không có đam mê, thành công là điều không cần thiết”.
BẠN HIẾM KHI BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
Nếu bạn muốn giàu có hơn, thành công hơn và luôn dẫn đầu trong cuộc sống, bạn phải học làm quen với những điều không chắc chắn và ít dễ chịu. Người giàu thì đặc biệt hơn, họ tìm thấy sự thoải mái trong những thứ không chắc chắn.
Siebold cho biết: “Sự thoải mái về thể chất, tâm lý và cảm xúc là mục tiêu chính của tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, những người có suy nghĩ khác biệt sớm nhận ra rằng trở thành triệu phú là điều không dễ dàng và nhu cầu được an toàn có thể bị phá hủy. Họ học cách cảm thấy thoải mái khi làm việc giữa những rủi ro và bất ổn”.
BẠN KHÔNG TẠO RA MỤC TIÊU CHO CÁC KHOẢN TIỀN CỦA MÌNH
Tiền không tự nhiên xuất hiện cũng không tự nhiên sinh sôi nảy nở. Nếu bạn muốn hướng đến sự giàu có, bạn phải đặt ra một mục tiêu rõ ràng, cụ thể trước khi xây dựng kế hoạch tài chính để đạt được mục tiêu đó. Tất nhiên, gửi tiết kiệm rồi lãng quên nó đi cũng sẽ mang lại cho bạn niềm vui khi sau một thời gian, bạn nhận ra khoản tiền có tăng một ít. Nhưng nếu bạn đặt ra mục tiêu rằng khoản tiền của mình phải tăng gấp bao nhiêu lần trong vòng một năm, bạn sẽ có động lực và buộc phải tìm ra phương án để thực hiện mục tiêu đó.
Những người giàu có luôn tự cam kết với bản thân để đạt được số tài sản mà họ mong muốn. Mặc dù đòi hỏi sự tập trung, lòng can đảm, kiến thức và rất nhiều nỗ lực, nhưng nếu bạn có mục tiêu chính xác và tầm nhìn rõ ràng, điều đó hoàn toàn khả dĩ. Triệu phú tự thân T. Harv Eker nhấn mạnh: “Lý do số một mà hầu hết mọi người không đạt được thứ họ muốn là họ không biết mình muốn gì. Người giàu thì hoàn toàn chắc chắn rằng họ muốn giàu có”.
BẠN CHI TIÊU TRƯỚC RỒI MỚI TIẾT KIỆM PHẦN CÒN LẠI
Triệu phú tự thân David Bach – tác giả của cuốn The Automatic Millionaire – nhận ra rằng “Những gì mà hầu hết mọi người thường làm khi kiếm được tiền là trả cho người khác trước. Họ trả tiền cho chủ nhà, công ty thẻ tín dụng, công ty điện thoại, nhà nước…”.
Thay vì chi tiêu “thả phanh” rồi mới tiết kiệm số tiền ít ỏi còn lại, tại sao bạn không tập thói quen tiết kiệm trước rồi mới tiêu xài trong phần còn lại? Bạn có thể đăng ký quy trình tự động trích 10% tổng thu nhập hàng tháng vào sổ tiết kiệm. Bằng cách đó, bạn thậm chí còn không nhìn thấy tiền và sẽ học cách sống mà không cần đến nó.
BẠN TIN RẰNG GIÀU CÓ LÀ ĐIỀU NĂM NGOÀI KHẢ NĂNG CỦA BẠN
“Những người bình thuờng tin rằng giàu có là một đặc quyền chỉ được trao cho những người may mắn. Nhưng sự thật là, ở một nước tư bản, bạn có mọi quyền để trở nên giàu có nếu bạn sẵn sàng tạo ra giá trị lớn cho người khác” – Siebold chia sẻ.
Hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi: “Tại sao không phải là tôi?” và suy nghĩ đến những điều lớn lao hơn. Những người giàu luôn đặt kì vọng cao. Bạn cũng có thể đặt mục tiêu cao cho mình kể từ bây giờ.