Liệu bạn có bao giờ tự hỏi câu chuyện cuộc đời bạn cũng y như bao câu chuyện khác hoặc bạn có nghĩ “tôi sẽ viết câu chuyện cuộc đời của tôi thành một câu chuyện mà rất nhiều người có thể nhìn vào và ngưỡng mộ”?
Mark Twain từng nói rằng “Con người ta có hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời. Một là ngày ta được sinh ra và hai là khi ta biết ta sinh ra trên cõi đời này để làm gì”.
Có lẽ với nhiều bạn, câu hỏi “sinh ra để làm gì?” hay sứ mệnh cuộc đời ta là gì khá đơn giản. Chúng ta cứ đi theo guồng quay mà cha mẹ, xã hội đặt ra: được sinh ra, đi học, có một công ăn việc làm, có một gia đình, có con, nuôi con và cuối cùng là trở về với đất mẹ – kết thúc một kiếp người.
Chuyện kể rằng có anh nọ, lấy bằng Tiến sỹ từ Mỹ. Sau khoảng 10 năm làm việc bên đó, mức lương tương đối cao, cuộc sống gia đình vợ con hoàn toàn thoải mái. Vậy mà anh bạn ấy quyết định trở về Việt Nam trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, thậm chí có người còn cho rằng anh “ngông”.
Hỏi anh vì sao anh lại về nước, anh nói rằng “Đi xa Việt Nam một thời gian, dù cuộc sống bên kia rất tốt nhưng cảm giác lạc lõng của một người Việt vẫn ở đâu đó trong anh. Anh muốn về VN để viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình.”
Tôi không hiểu cái câu chuyện anh muốn viết là gì nhưng rõ ràng là mỗi chúng ta đều có những định hướng, những suy nghĩ về sứ mệnh mà mình muốn làm, để khi nằm xuống, chúng ta có quyền tự hào về một cuộc sống mà chúng ta là tác giả kiến tạo ra nó.
Tôi chắc chắn rằng mỗi người sẽ có riêng một câu chuyện về cuộc đời của chính họ – họ có thể viết nó bằng tất cả sự trải nghiệm, bằng cả những thành công và va vấp, bằng cả nhiệt huyết và cả sự gửi gắm đâu đó cho con cháu của họ. Tuy nhiên để “đặt bút viết” ra câu chuyện, bạn cần xác định mình viết gì.
Ai cũng sẽ có một cuộc đời để sống, thế nên hãy viết những gì bạn muốn. Nếu bạn tìm thấy niềm vui ở những công việc làm bánh, hãy dành thời gian tìm hiểu và làm nó. Có thể lần đầu làm bánh, bạn làm không ngon, nhưng qua những lần rút kinh nghiệm, bạn sẽ tạo ra sản phẩm ưng ý. Cũng đừng vì gia đình hay ai khác cho rằng “bạn may đồ mới đẹp” mà từ bỏ đam mê hay sứ mệnh mà bạn muốn theo đuổi.
Hãy đặt mục tiêu, hãy theo đuổi mục tiêu ấy, hãy thực hiện nó bằng tất cả sự nhiệt tình và lý tưởng. Bất kể mục tiêu ấy không đem lại thành công như mong muốn thì nó cũng đem lại cho bạn những trải nghiệm mà chỉ có bạn mới thấu hiểu tường tận.
Cách đây hai hôm, có sinh viên hỏi tôi “Em nên chọn theo đam mê của em là theo đuổi và thực hiện những chương trình truyền hình thực tế hay ký vào offer của một ngân hàng mà em vừa kết thúc đợt thực tập? Gia đình em mắng em quá chừng vì em nói rằng em muốn thử sức bên truyền hình. Em hoang mang quá!”.
Để trả lời câu hỏi của em, chúng ta vẫn cần rất thực tế rằng, em có phải là trụ cột kiếm tiền trong nhà không. Ở góc độ đam mê của em, em có thật sự dám liều hay đánh đổi nếu em theo ngành truyền thông truyền hình và gặp thất bại. Em có dám đối diện với gia đình và thuyết phục họ ủng hộ em trên con đường mới.
Nếu tôi là em, nếu tôi hoàn toàn ý thức rằng tôi rất thích truyền hình thì tôi sẽ đi theo nó, bởi chúng ta còn quá trẻ để cứ đi theo khuôn mẫu gia đình sắp đặt. Tôi không có ý khuyến khích các bạn mù quáng chạy theo những thứ ảo tưởng mình tự vẽ nhưng nếu đã suy nghĩ và tìm hiểu nghiêm túc về ngành nghề đó thì em hãy cứ sống hết mình đi, tuổi trẻ qua đi sẽ không quay lại và đừng để đến khi ta nghỉ hưu mà vẫn dằn vặt mình về câu nói “giá như”.
Tôi đã từng đứng trước rất nhiều lựa chọn khó, đã có những sai lầm nhưng chưa bao giờ thấy tiếc cho những khoảng thời gian đó vì nó chính là tôi và câu chuyện cuộc đời mà tôi đang viết là “của riêng tôi”. Và nếu bạn đủ đam mê và nhiệt huyết hãy luôn nhủ rằng : cuộc sống là một câu chuyện, hãy khiến câu chuyện của bạn bán chạy nhất.