Nếu nhanh chóng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, thành công sẽ tự khắc tìm đến bạn

Chỉ khi dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để làm những điều chưa bao giờ thực hiện, bạn mới có thể biết được khả năng của mình tới đâu. Không ngừng dấn thân trải nghiệm và thử thách chính mình, rồi một ngày thành công sẽ gõ cửa sự nghiệp của bạn.

Trong chúng ta ai cũng có một vùng tâm lí mang tên “an toàn”. Chỉ cần hoạt động trong phạm vi cho phép này, chúng ta luôn cảm thấy an ổn và thoải mái mỗi ngày. Nếu vô tình bước chân ra ngòi những giới hạn vô hình ấy, ta luôn mang theo tâm lí e dè và lo sợ bởi ta không biết những gì xảy ra bên ngoài vùng an toàn, sẽ đem đến những thay đổi như thế nào.

Chẳng hạn, mỗi ngày đến công ty gõ bàn phím soạn văn bản. Khi nghe đến đó, bạn cảm thấy thật bình thường chẳng có gì phải “xoắn”. Điều đó là do hành động này đã ăn sâu vào trong thói quen của bạn, khiến bạn không có bất kỳ tâm lí phòng ngự nào với hoạt động trên. Thế nhưng, bây giờ hãy thử tưởng tượng bạn chuẩn bị đứng lên giữa phòng họp và thuyết trình trước đám đông trong 20 phút. Phải chăng lòng bàn tay của bạn đã ướt đẫm mồ hôi? Đó là bởi hoạt động này lại nằm ngoài khả năng nhận thức của vùng an toàn. Vậy làm thế nào để mở rộng giới hạn an toàn của bạn để tìm đến thành công?

1. Bước đầu làm những việc quen thuộc nhưng theo một cách mới

Nếu khởi đầu một cách đột ngột, làm những điều mới mẻ ngay lập tức bạn sẽ rất dễ bị choáng ngợp và khó thích nghi nhanh chóng. Nhưng nếu bạn thử đổi mới những hoạt động quen thuộc thường ngày, biến tấu đi một chút, bạn sẽ thấy thử sức với những trải nghiệm mới không hoàn toàn khó như bạn vẫn nghĩ. Mỗi ngày thay vì check email thủ công, hãy thử thiết lập những công cụ tự động hỗ trợ bạn. Thay những công việc làm theo thứ tự từ trên xuống dưới, bằng cách đánh số và chọn lọc chúng theo thứ tự ưu tiên. Những thay đổi nho nhỏ như thế sẽ khiến bạn cảm thấy công việc hàng ngày trở nên mới mẻ và ý nghĩa hơn.

2. Đẩy giới hạn của bản thân lên mức cao hơn

Các nhà khoa học chứng minh được rằng, nếu tập cùng một bài thể dục trong 30 phút đồng hồ suốt 3 tháng liền, cơ thể bạn sẽ trở nên quen thuộc với cường độ tập luyện và không phát triển hệ thống cơ bắp như thời gian đầu. Tương tự với công việc hàng ngày của bạn, nếu bạn chăm chỉ làm việc đều đặn cùng một lượng thời gian hoặc công việc như nhau ngày này qua tháng nọ, não của bạn sẽ bắt đầu sinh ra sự trì trệ và thói quen “lười suy nghĩ”. Hãy tìm cách buộc não của bạn phải vận động và tư duy bằng cách đẩy giới hạn bản thân lên một mức cao hơn. Hãy cố gắng nhận những công việc có tầm phức tạp hoặc đòi hỏi khối lượng thời gian nhiều hơn chẳng hạn. Bạn sẽ mở rộng khả năng tư duy của mình thay vì chỉ bó hẹp trong những việc “không cần dùng não” như bình thường.

3. Tự thách thức năng lực của chính mình

“Liệu mình có dám thử sức với dự án có độ khó cao này?” “Liệu mình có nên chủ động phát biểu trong buổi họp tới?” Hãy không ngừng tự hỏi bản thân những câu hỏi mang tính chất thách thức và khích lệ. Nếu bạn chỉ giới hạn chính mình trong những câu từ chối thì bạn đã tự đóng băng năng lực của mình. Không có thách thức nào khó hơn thách thức cải thiện bản thân. Nhưng lại không có thách thức nào khiến bạn thành công nhanh nhất như thách thức thay đổi chính mình. Nếu chưa từng thuyết trình trước công ty, hãy động viên bản thân đứng lên trong lần họp tới. Nếu chưa từng thử lãnh đạo một dự án, hãy chủ động ứng tuyển cho vị trí này. Biết đâu bạn lại là nhân tố X công ty đang tìm kiếm!

4. Ăn mừng chiến thắng bạn đạt được

Bạn không phải kiểu người thích “ngủ quên trên chiến thắng” nhưng bạn lại là người biết cách động viên và khích lệ tinh thần của chính mình. Sau những giới hạn nho nhỏ bạn vượt qua hoặc thách thức bạn chinh phục được, hãy dành tặng bản thân một “chiến lợi phẩm” hoặc cách ăn mừng theo cách của bạn. Điều này sẽ gia tăng mức độ hưng phấn và sự vui vẻ, hào hứng để bạn tiếp tục bước ra xa hơn khỏi vùng an toàn của mình, thay vì tâm lý e dè và lo sợ.

Richard Branson đã nói rằng nếu mục tiêu của chúng ta không khiến chúng ta thấy sợ hãi thì chứng tỏ chúng chưa thật sự đủ lớn. Việc bạn tạo ra mục tiêu đã là một hành động táo bạo chứng tỏ bạn đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã nỗ lực hết sức để đạt được các mục tiêu này. Nếu luyện tập thói quen này một cách thường xuyên, một ngày nào đó, bạn sẽ trở nên tự tin hơn với bản thân và mạnh dạn khẳng định rằng: Bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.