Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: hành trình truy hồi ký ức, chữa lành tổn thương bất tận

Nếu một ngày ngôn ngữ mất đi, có lẽ, đối với tôi một phần ký ức trong tôi cũng không còn vẹn nguyên nữa. Tôi bắt đầu viết nhật ký từ những ngày đầu tiên ở lứa tuổi mới lớn – một trong những lứa tuổi khủng hoảng nhất cuộc đời, cũng là cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành nhận thức và nhân cách mạnh mẽ mất. Trong khoảng thời gian đó, tôi nhận ra sự biến đổi rõ rệt trong mình, cả về sinh lý lẫn tâm lý. Tôi luôn nhạy cảm với mọi ánh mắt xung quanh. Tôi loay hoay xoay vòng trong các mối quan hệ. Trong tôi luôn đặt câu hỏi tại sao mỗi ngày. Cứ thế với những câu hỏi ngày càng nối dài, tôi lại tìm cho mình những câu trả lời, bằng ngôn ngữ. Đôi khi đó chưa phải câu trả lời tôi mong muốn, nhưng chúng lại giống như một chiếc kéo, cắt đứt những sợi chỉ bứt rứt, lắng lo đang gắng gượng cuốn lấy, thắt chặt lấy tôi mỗi ngày. Và khi sự sử dụng ngôn từ lặp đi lặp lại quá nhiều, bằng cách viết cho người này hay người khác, bằng cách viết truy tìm mọi ngóc ngách lẩn khuất trong bóng tối cuộc đời hay bằng cách suy tưởng về một tương lai phơi phới, tôi cho rằng, ngôn từ như một loại hình nghệ thuật, có thể hàn gắn những vết thương tâm hồn.

Ngôn ngữ dẫn người đọc chu du khắp ngóc ngách, trong tâm hồn

Ngôn ngữ như một mũi kim khâu liền những mảnh vụn ký ức, bằng sợi chỉ liên tưởng tự do, đưa người đọc trở về những khoảnh khắc ấu thơ êm đềm. Mặc dù chẳng thực như những khoảnh khắc ban đầu, nhưng đủ để hồi tưởng những tháng ngày phẳng lặng như mặt hồ, không một chút gợn sóng, len qua từng tế bào, thấm đẫm ngược vào tim. Đôi khi đủ nức nở như khi làm nũng vòi vĩnh của một đứa trẻ hiếu chiến. Đôi khi sặc lên cười vì những trận đòn từ bố mẹ bởi những trò ngốc nghếch nghịch dại. Đôi khi lại bồi hồi về những tình cảm nho nhỏ từ người bạn khác giới, người mình đã từng mến mộ, dội lại…

Ngôn ngữ như ly cà phê nóng, khói bay nghi ngút. Có tầng tầng lớp lớp mùi vị. Nóng ngon một kiểu. Cho thêm đá lại trở thành một kiểu khác. Thêm bớt đường hay sữa cũng ảnh hưởng đến vị giác của người thưởng thức. Ngôn ngữ có tầng tầng lớp lớp biểu thị mức độ xuyên thấu tâm hồn. Có lúc xác xơ thô kệch. Có lúc bóng bẩy trau chuốt. Có lúc mượt mà êm ái. Lúc đứt quãng rời rạc. Thêm bớt vài từ thôi cũng làm tâm hồn đang ở bóng tối nhìn thấy ánh sáng lấp lánh của mặt trời, cũng có thể ngược lại, dìm một tâm hồn vào bóng tối của một chiếc giếng không đáy, sâu hun hút.

Ngôn ngữ như một bản giao hưởng được phối đầy đủ các loại nhạc cụ, cộng hưởng hàng ngàn âm sắc khác nhau. Lúc trầm lúc bổng. Lúc dịu êm lúc dữ dội. Lúc ngọt ngào da diết, khi lại mạnh mẽ trang nghiêm. Lúc thể hiện lòng căm phẫn, khi lại rắt réo bi ai. Đủ những cung bậc thăng trầm. Đủ đưa người nghe đi qua hết một câu chuyện như chính mình mới là nhân vật chính, chính mình mới là người hòa âm bản nhạc kia, chính mình mới là kẻ đáng thương lầm lũi hay chính mình, đôi khi, không còn là mình nữa, sau khi nghe bản giao hưởng này.

Ngôn ngữ ướp ngọt trái tim co ro lẻ loi, tháo gỡ những tâm hồn đang nuôi những dây gai cuốn quanh không cho bất kỳ ai chạm tới

Ngôn ngữ mềm mại như bàn tay mẹ, vỗ về chở che mỗi khi không còn ai bên cạnh. Những ngày trở lạnh như những bàn tay vô hình, dễ dàng cởi từng lớp quần áo đang bọc lấy những tâm hồn yếu đuối mong manh nhất. Người ta lúc nào cũng cảm thấy mình cô đơn, kể cả đang yêu, vì chẳng ai có thể cản nổi, những cơn gió bủa vây, chỉ trực xoáy sâu những lúc chúng ta sơ hở nhất. Nỗi buồn cũng giống như cơn gió, chợt đến chợt đi, dai dẳng, vô hình không tự nhiên xuất hiện, cũng chẳng tự nhiên mất đi. Nó chỉ trú ngụ ở người này hay bỗng chốc ghé thăm người kia mà thôi.

Ngôn ngữ như những căn phòng ấm cúng pha chút ma mị đèn vàng, rèm nâu kiểu cách. Những ngày rét mướt thế này, đi ra khỏi chiếc giường ấm cũng thôi cũng là một kỳ tích. Tôi thường ngồi lỳ một chỗ và lóc cóc viết những dòng chữ này. Bằng tất cả sự suy nghiệm và đúc kết của một người trẻ, cô đơn với chính mình. Trong một khoảng không chơi vơi. Im lìm. Và chơi trò trốn tìm với những con chữ. đã  làm tôi quên mất đi sự chuyển dịch của từng vòng quay kim đồng hồ. Tôi lờ mờ thấy chính mình, ở một nơi bí ẩn xa lạ nào đó, tôi lúng túng tự hỏi đây là đâu, cô gái ấy là tôi, chỉ quay lại mỉm cười, để mặc tôi ngẩn ngơ cùng hàng tá dấu hỏi chấm, lơ lửng.

Ngôn ngữ như một tấm rèm mỏng manh, giữa mùa đông lạnh – những cơn gió ùa về tưởng chừng như nuốt chửng, không ngờ càng làm thêm sức hút quyến rũ. Đôi lúc ủy mị uốn lượn thướt tha. Đôi khi sẵn sàng buông rủ mọi sự ủ rũ. Tâm hồn người cũng mong manh như thế, nắng có thể không chiếu rọi, nhưng lại bị lung lay bởi những cơn gió hết sức khẽ khàng. Có những tâm hồn tưởng chừng như cứng rắn, mà không biết đã lăn qua biết bao nhiêu gai góc trong đời.

Ngôn ngữ – vũ khí xoa dịu vết thương mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu

Kiếm làm tổn hại thân thể, ngôn từ làm tổn thương tâm hồn.

The sword the body wounds, sharp words the mind.

Menander

Ngôn từ giống như mũi tiêm gây tê, có thể trì hoãn sự tổn thương bằng cách này hay cách khác. Đủ để đến một khoảng thời gian nhất định chậm rãi trôi, người ta nhận ra nó không còn nghiêm trọng như lúc mới xảy ra nữa. Ngôn ngữ có thể làm tổn thương tâm hồn, quả không sai, nhưng cũng chính nó, xoa dịu chính tâm hồn người viết.

Ngôn từ còn như một móc xích, hàn gắn những vết nứt bằng tất cả sự chân thành yêu thương, đẩy dần những tổn thương về phía quên lãng. Có người bạn cấp 3 hay thắc mắc với tôi rằng, tại sao khi người kia nói những câu gây tổn thương cho tôi như vậy, mà tôi không phản ứng lại gì hết như thế. Tôi nói lúc đó tôi bận hiểu người khác đang nghĩ gì, tôi đi tìm lý do tại sao họ lại nói như vậy, tôi loay hoay trong chính cảm xúc của họ, rồi tôi tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi tôi tìm kiếm, vậy là tôi cảm thông cho họ, tôi nhận ra khi ai đó làm mình tổn thương bằng lời nói hay bất cứ thứ ngôn ngữ gì, thì sâu thẳm trong họ, cũng khổ tâm chẳng kém gì. Để họ cứ như vậy, không nói gì với họ hết, sau cùng, họ sẽ kịp bình tâm trở lại để thấu suốt mọi thứ.

Bàn tay buốt lạnh vẫn miệt mài lóc cóc ghi lại những dòng chảy suy nghĩ đang diễn ra trong đầu, bất chấp sự nhói đỏ tê nhức. Những dòng chảy lúc nhẹ nhàng dịu êm như tần số não đồ chuẩn bị bước vào giấc ngủ, khi thì ở trong trạng thái gấp gáp tập trung cao độ, mọi thứ trở nên rõ nét, nếu không đủ tinh tế bắt đúng khoảnh khắc, mọi thứ dường như trở nên mờ ảo, lại chìm đắm trong những thực hư trộn lẫn.

Và nếu không đủ mạnh mẽ để dứt khỏi mê cung mộng mị này, người sử dụng ngôn ngữ như bị thôi miên, bởi một sức hút mê hoặc nào đó, bắt nguồn từ những sợi chỉ, dẫn đến những nơi nào không hay.

Vậy nên, khi gấp lại những trang nhật ký của mình, tôi cho rằng, nếu ai muốn bắt đầu vào thứ mê cung ngôn ngữ này, hãy nhớ đem theo tấm bản đồ, để còn tìm thấy lối thoát, mà ra.