Bạn hẳn rất bối rối khi thường xuyên nghe mọi người khuyên, “Hãy đi theo đam mê của mình!”. Vâng, tất nhiên là bạn muốn làm vậy rồi, nhưng bạn còn chẳng biết đam mê của mình là gì nữa.
Bạn là người có thể làm việc chăm chỉ, với sự quả quyết và lòng kiên trì. Khi bạn biết mình đang làm gì, không gì có thể ngăn cản bạn cả. Vậy đầu tiên bạn cần phải làm gì? Trước khi bạn hết mình theo đuổi niềm đam mê, bạn cần phải tìm ra nó.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm niềm đam mê, thì sau đây là sáu bước giúp khơi gợi hoặc khám phá niềm đam mê trong bạn. Hãy dành thời gian suy nghĩ về bài viết này, và hãy nhớ rằng, dù sao đi nữa, thì bạn cũng đang đến gần mục tiêu của mình hơn rồi đó.
1. Bắt đầu với suy nghĩ lạc quan
Nếu bạn đi vào một nhà hàng với suy nghĩ “Mình không đói. Ở đây chẳng có món gì hấp dẫn cả. Mình không muốn vào đây chút nào”- dĩ nhiên thực đơn sẽ trông không hấp dẫn chút nào. Và bạn cũng sẽ chẳng buồn dành thời gian khám phá các món ăn ở đó, vì vậy khả năng cao là bạn sẽ chẳng thể tìm được món ăn mà mình thích.
Điều này tương tự như khi bạn tìm kiếm niềm đam mê vậy. Nếu bạn đang nghĩ việc tìm kiếm niềm đam mê là khó khăn, và cho rằng bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chúng, thì bạn đang tự ngăn mình khám phá những khả năng mới đó. Bạn đang chặn hết tất thảy các dấu hiệu hướng dẫn bạn tìm kiếm niềm đam mê. Vậy mới nói, làm sao bạn có thể mong muốn tìm được một công việc để thỏa sức công hiến nếu bạn không tin nó tồn tại?
Hãy nghĩ rằng bạn có thể làm mọi thứ bạn thích. Một trong những cách tốt nhất để củng cố quan điểm này là hãy lấy những người xung quanh làm ví dụ cho mình. Làm thế nào mà bạn bè và gia đình của bạn có thể theo đuổi niềm đam mê của họ? Nếu xung quanh bạn không có nhiều người như vậy, thì có lẽ là đã đến lúc bạn cần mở rộng vòng kết nối của mình rồi đấy; hãy kết thân với những con người đang ngày ngày hết mình theo đuổi đam mê.
2. Dò tìm niềm đam mê đích thực
Sau khi tự thuyết phục bản thân rằng bạn có thể tìm được niềm đam mê của mình, thì hãy bắt tay ngay vào việc tìm kiếm “dấu vết” sự tồn tại của nó nhé. Hãy nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ tìm thấy những khoảnh khắc nổi bật lên. Hãy xem xét kỹ những “khoảnh khắc đỉnh cao” ấy và tìm ra các yếu tố chủ yếu.
Tự ví mình là một chiếc máy dò kim loại, phân biệt đâu là vàng và đâu là kim loại rẻ tiền. Chẳng hạn như, một trong những công việc mùa hè mà tôi yêu thích là tham gia giảng dạy tiếng Anh cho thanh thiếu niên. Tôi giả định các yếu tố chủ yếu ở đây là tiếng Anh, hay thanh thiếu niên.
Nhưng khi tôi dùng đến “chiếc máy dò kim loại” ẩn dụ của mình, mọi việc trở nên rõ ràng hơn, khi mà tiếng “beep” vang lên khi tôi là lãnh đạo của một nhóm người nhất định, và đang giảng dạy những điều có giá trị đối với họ. Đó chính xác là những gì tôi làm bây giờ, dĩ nhiên là không có các thanh thiếu niên, thì hiện tại hoàn thành, hay các bài kiểm tra từ vựng rồi!
Liệt kê danh sách các yếu tố chủ yếu của các “khoảnh khắc đỉnh cao”; và chú ý đừng để bị phân tâm bởi những thứ không quan trọng.
3. “Chiếc ô” của riêng bạn
Khi bạn nhìn vào tất cả các yếu tố quan trọng với bạn, ban đầu có thể chúng trông không liên đến nhau lắm. Chẳng hạn như bạn thích tiếng Pháp, uống cà phê, sử dụng từ ngữ, phân tích và phân loại, và là một nhà lãnh đạo của một nhóm người nhất định. Làm thế nào bạn có thể xây dựng một sự nghiệp từ những yếu tố này? Điều này giống như, nhìn vào tủ lạnh thì thấy ca cao, đậu phụ, cà rốt và tự hỏi: Làm thế nào tôi có thể chế biến một món ăn bằng những thứ này?
Hãy mở rộng tầm nhìn của bạn và tìm kiếm cho mình một “chiếc ô”; cái mà bóng cuả nó đủ lớn để bao trùm hết các thành phần trên. Như, đồng nghiệp của tôi Abby- người có những niềm đam mê khác nhau được nhắc đến ở trên, giờ đang làm công việc giúp các chủ doanh nghiệp tìm những từ ngữ thích hợp để quảng bá hương hiệu của họ. Cô phân tích và tập hợp những bản thảo vào một tệp lớn mà cô gọi là “Ngôn ngữ vô giá”.
Với kinh nghiệm từng điều hành một cử hàng bán đồ Pháp, và cách sử dụng những từ tiếng Pháp làm điểm nhấn, cô đã tạo cho mình một phong cách riêng biệt, đầy độc đáo. Cô nổi tiếng là một nhà lãnh đạo tài năng đối với những người mong muốn giao tiếp hiệu quả với các khách hàng tiềm năng. Và cô ấy cũng có hẳn một trang Pinterest để giới thiệu những quán cà phê yêu thích của cô ấy. Tất cả những đam mê của cô vừa khít dưới bóng “chiếc dù sự nghiệp”, và cũng chính sự đa dạng của nó đã giúp cô nổi bật và thu hút khách những khách hàng hoàn hảo.
“Chiếc ô” của bạn có thể là gì?
4. Hãy phân biệt giữa sở thích và những đam mê có thể giúp bạn xây dựng sự nghiệp
Có thể, tới bước này, bạn sẽ nhận ra một niềm yêu thích mãnh liệt với một hoạt động nào đó – hoạt động này thắp sáng niềm vui và làm cho trái tim của bạn “ca hát”. Tuy nhiên, bây giờ bạn cần tự hỏi: Ai sẽ là người có lợi từ (và ai sẽ trả tiền cho) hoạt động này?
Nếu bạn muốn cống hiến niềm đam mê của mình cho xã hội đồng thời vẫn có thể kiếm được thu nhập từ nó, bạn cần phải thực tế về việc liệu bạn có thể biến đam mê này thành một nghề được không và bạn sẽ phải làm gì. Hơn nữa, suy nghĩ kĩ xem bạn có thật sự thích nó không, vì với nhiều người, đam mê là một cái gì đó vui vẻ, và khi nó biến thành nhiệm vụ, thì công việc đó sẽ chuyển từ “làm vì thích” thành “làm vì nghĩa vụ”.
Ví dụ như, khách hàng của tôi – Lisa, rất thích vẽ. Cô làm nghệ thuật vì nó mang lại niềm vui. Nhưng khi cô muốn biến niềm đam mê này thành nghề chính của mình, cô nhận ra những người cần đến tài năng của cô là các chủ doanh nghiệp đang cần hình minh họa cho các trang blog, web, hay các sản phẩm của họ. Điều này nghe có vẻ dễ dàng với Lisa nhưng cô cần phải trang bị thêm các kỹ năng về công nghệ để những sản phẩm của cô có thể dễ dàng dùng online được.
Hãy chú ý xem ai là người sẽ sử dụng “niềm đam mê” của bạn, và hãy trò chuyện với họ để xác định rõ bạn có thể “phục vụ” họ như thế nào, ở đâu và khi nào.
5. Hãy cứ “nổi loạn”
Khi bạn tìm kiếm niềm đam mê của mình, sẽ có một phần trong bạn muốn “nổi loạn”. Tôi đoán bài viết này sẽ khiến bạn lo ngại! Chúng ta đều có những nỗi lo ngại riêng, xoay quanh sự thất bại, thành công, tầm nhìn, và sự tổn thương, chúng thì thầm bên tai rằng chúng ta không nên làm những gì chúng ta thích.
Nếu bạn để cho tiếng nói đó chiến thắng, niềm đam mê của bạn sẽ mãi mãi ngoài tầm với. Thay vào đó, hãy tìm kiếm sự sợ hãi ẩn náu dưới những lời nói được cho là hợp lý đó. Hãy xem xét những điều kiện xung quanh, từ cha mẹ, nhà trường, đối tác và đồng nghiệp, và chắc chắn rằng con tàu “táo bạo” của bạn sẽ đi đúng hướng thôi.
6. Tìm kiếm giới hạn của bạn
Trên hành trình của riêng mình, tôi đã sống đúng với phương châm: “Cứ nhảy đi và tấm lưới bảo hộ sẽ xuất hiện thôi” Tôi nhận thấy mình không thể đón nhận những điều mới nếu chưa nói lời từ biệt với cái cũ. Với mỗi bước tiến vào con đường đầy ẩn số phía trước, chẳng hạn như nghỉ công việc bán thời gian có lương để làm việc tự do – tôi luôn tự nói – Tôi đã sẵn sàng. Và tôi nghiêm túc về việc này.
Mọi người nói tôi can đảm, nhưng tôi không nghĩ vậy; đơn giản chỉ là tôi muốn được hạnh phúc và tự do hơn là hài lòng với sự bình lặng của hiện tại. Hãy đi tìm sự can đảm của chính bạn. Tìm hiểu kĩ những rủi ro. Con đường của sự đam mê có thể sẽ làm bạn sợ, nhưng nó không đáng sợ vậy đâu. Hãy mở rộng vùng thoải mái của mình, chứ đừng rời bỏ nó.
Cuộc sống cần niềm đam mê của bạn, vì vậy hãy tin rằng bạn có thể tìm ra nó, và hãy dùng những bước trên để có thể nhận biết rõ hơn niềm đam mê của mình nhé. Khi bạn tìm thấy niềm đam mê cùa mình, tôi chắc rằng: Nó sẽ luôn dẫn bạn đi đúng hướng.