Thời gian có thể giúp con người ta lớn lên nhưng chưa chắc khiến họ trưởng thành. Chỉ khi va vấp những nhấp nhô trong cuộc sống, đối mặt với những biến cố trong cuộc đời… đó mới là lúc để ta nhận ra mình cần phải trưởng thành.
Đối với nhiều người, sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống là mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời. Có lẽ để đạt tới thành công đó không quá khó khăn, tuy nhiên để bản thân thực sự trưởng thành qua thời gian, đặc biệt sự trưởng thành trong tâm là việc vô cùng khó khăn.
Một người có trưởng thành hay không, kỳ thực không thể dùng tuổi tác nhiều hay ít của họ để đánh giá nhìn nhận. Có những người tuổi đã cao, nhưng cách hành xử và những suy nghĩ trong tâm của người ấy vẫn hời hợt, thậm chí trống rỗng. Nhưng có những người tuy còn trẻ tuổi nhưng lại rất chín chắn, suy nghĩ cân nhắc thấu đáo, kỹ càng.
Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định bởi người đó gặp bao nhiêu gian nan chông gai trong cuộc đời, mà nó được thể hiện ra ở thái độ và cách mà người ấy đối đãi với sự tình ra sao. Một người có sự tu dưỡng và tâm tính tốt mới thực sự là một người trưởng thành.
Trưởng thành là một quá trình dài lâu chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tu dưỡng tâm linh của người ấy. Điều đó cũng là lý do lý giải vì sao những người càng trưởng thành, thành thục, chín chắn thì thường càng ôn hòa và tĩnh lặng.
Trưởng thành là bình tĩnh và kiên cường
Những người trưởng thành là những người luôn có sự bình tĩnh trong tâm, trên khuôn mặt luôn thể hiện sự bình thản kiên cường. Khi đối mặt với những việc trọng đại trong đời mà vẫn điềm tĩnh tựa như không, khi đối diện với những điều nhỏ bé vụn vặt thì không so đo tính toán.
Có một số người khi gặp chuyện bất bình, không vừa ý liền tức giận không giữ được bình tĩnh, vì chuyện nhỏ cũng nổi trận lôi đình bất mãn. Người xưa dạy: “Nổi giận là bản năng, kiểm soát nóng giận là bản lĩnh”. Con người khi nóng giận sẽ không có lý trí, nói những lời làm tổn thương người khác, nhẹ thì làm tổn thương hòa khí hai bên, nặng thì sẽ tự chuốc lấy bất hạnh cho bản thân mình.
Có người khi đối diện với mọi vấn đề đều ung dung bình tĩnh đối diện. Cũng có những người bất kể trải qua sóng to gió lớn tới đâu, bất kể gặp phải người giả dối tiểu nhân xấu xa như thế nào, đều luôn mỉm cười điềm tĩnh đối diện. Khi gặp mâu thuẫn thì tìm nguyên nhân, khi gặp khó khăn thì tìm giải pháp khắc phục.
Có những người khi đối diện với bất kể chuyện gì đều trầm lặng không nói. Cũng lại có những người khi bị người khác hiểu lầm thì không đi giải thích, khi bị người khác bình luận cũng không tranh cãi, khi bị người khác đặt điều thị phi thì im lặng, không giải thích. Họ im lặng không phải vì sợ, cũng không phải vì nhu nhược hèn yếu, mà muốn để thời gian chứng minh tất cả.
Đôi khi, im lặng giúp tâm thái người ta thoải mái hơn là thổ lộ dốc bầu tâm sự, im lặng cũng là biểu hiện sự từng trải giúp người ta trưởng thành. Đau rồi hãy cố gắng nhẫn chịu một chút, mệt mỏi rồi nên im lặng nghỉ ngơi. Những người càng có thói quen im lặng càng không muốn nói nhiều lời.
Cũng bởi lòng người khó lường, thật giả khó phân biệt, cũng bởi trong lòng mỗi người có nhiều điều khó nói thành lời, có những buồn tủi khó chia sẻ với ai. Vậy nên khi càng trưởng thành, càng trải qua nhiều chuyện, con người ta càng trở nên trầm lặng ít nói. Bởi vì im lặng cũng là một biểu hiện của sự trưởng thành, nên khi nhìn thấy những người không vừa mắt, họ cũng dễ dàng bỏ qua, gặp những việc không thể buông cũng dần dần buông bỏ.
Trưởng thành là khoan dung và hiểu người khác
Có lẽ chỉ có người đã từng trải qua gian nan và tổn thương tột cùng mới có thể thực sự trưởng thành, hiểu và khoan dung với người khác. Một người trưởng thành sẽ không bao giờ tùy tiện phán xét người khác. Họ luôn hiểu được rằng mỗi một người, đều không hề đơn giản như những biểu hiện ở vẻ bề ngoài của họ, ai cũng có ưu khuyết điểm riêng.