Gửi những người đang nghi ngờ bản thân ngay lúc này

  Bắt đầu từ hai tháng trước, tôi chính thức trở thành sinh viên năm ba.

Sinh viên năm ba, thì có gì?

Vài lần nhận học bổng khi là sinh viên xuất sắc, hay vài chiếc giấy chứng chỉ được đóng trong những chiếc khung trang trọng khắc tên mình với danh hiệu sinh viên giỏi của năm? Đối với vị trí là một sinh viên đúng nghĩa, tôi thì chẳng có gì. Hai năm học trôi qua tôi còn không liệt kê nổi số ngày bỏ học, số giờ ngủ trong tiết.

 

Kỳ học mới chưa đầy hai tháng mà hôm nay, như thường lệ, tôi lại nghỉ học, và viết những dòng này. Bởi tôi vốn nghĩ, trường học là một hệ thống đã quá đủ suốt 12 năm học phổ thông của mình. Và, để học điều gì đó, bạn không nhất thiết phải đến trường. Cũng như để giúp một ai đó, bạn đâu cần phải vào một câu lạc bộ tình nguyện để mang nhãn dán tình nguyện viên.

Sau rất nhiều buổi nghỉ học như thế, kể cả ngày hôm nay, bỗng tôi chợt nhận ra rằng, khi tất cả những người bạn của tôi hằng ngày vẫn đến lớp đều đều và ghi chép bài giảng đều đều như vậy, tôi thấy mình có lỗi, tôi cảm thấy nghi ngờ về bản thân: phải chăng việc nghỉ học của mình là không đúng?

 

Tôi không biết đó có phải điều bình thường hay kỳ lạ nếu nó xảy ra với bạn, nhưng đối với một đứa có “thâm niên” nghỉ học như tôi, tự dưng trong lòng dấy lên một sự ăn năn hối tiếc khi nghỉ học – điều mà chưa từng xảy ra trước đây.

Tôi đã rải CV từ năm nhất để có các cơ hội thực tập, làm việc tại các công ty vừa và nhỏ, nhảy hết việc này đến việc khác, thử hết việc nọ đến việc kia, từ làm cộng tác viên kinh doanh đế hỗ trợ truyền thông, từ đi làm gia sư đến làm thuê chân tay ở các cơ sở giao hàng. Cho đến năm hai tôi làm thực tập sinh ở một star-up và làm nhân viên content tại nhà cho tới tận bây giờ. Đi làm thì được lương rồi thì nghỉ học? Hay là tôi coi trọng việc làm hơn việc học?…

Điều này khiến tôi nhớ đến một người bạn trước học chung cấp ba, cô bạn tâm sự với tôi rằng kỳ nào cô cũng đi học đầy đủ, cuối kỳ nào điểm cũng cao hầu như nhất lớp, và không chỉ được nhận học bổng sau mỗi kỳ học, mà cô còn nhận được nhiều loại học bổng khác từ các chính sách của công ty, doanh nghiệp liên kết với trường. Nhưng cô vẫn cảm thấy hoang mang, nghi ngờ về bản thân cực kỳ. Cô tự so sánh mình với những bạn đi làm thêm, kể cả chỉ là công việc phục vụ bàn. Đương nhiên là cô chưa đi làm thêm bao giờ, mà dành tối đa thời gian cho việc học trên lớp và cả những lúc ở nhà. Vậy tại sao nghi ngờ bản thân mình?

 

Là  cô lo sợ sau này không có kinh nghiệm tiếp cơ bản sau khi ra trường mà chỉ biết lý thuyết suông mặc dù bằng chứng nhận không biết treo đâu cho hết. Trong khi mục đích ban đầu của cô tập trung học để đạt được danh hiệu sinh viên xuất sắc, để ẵm học bổng, để tiếp thu được lượng kiến thức ban đầu một cách đầy đủ trọn vẹn nhất. Ấy thế mà gần đây cô lại xuất hiện những nỗi lo như thế. Ngày ra trường càng đến gần, cô lại đặt nặng việc đó và nghi ngờ bản thân hơn.

 

Những băn khoăn của tôi cũng chẳng khác là bao, chỉ khác ở lý do thôi. Tôi nghi ngờ về lực học của bản thân mình, tôi sợ tôi không ra trường đúng hạn, hay kết quả này một bê bết chẳng còn cách nào để cải thiện nữa. Trong khi nhiều người lại ao ước được như tôi, cùng một lúc có thể làm mấy việc và đã có một khoản lương để trang trải chi phí hằng ngày.

Bất cứ ai cũng đã từng nghi ngờ về bản thân, không ai giống ai nhưng nó cực kỳ tồi tệ?

Mở rộng hơn, tôi có cơ hội được tiếp xúc với những người mắc các chứng bệnh liên quan tới tâm thần (như mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm…) và họ là những người nghi ngờ bản thân hơn ai hết, khi các biểu hiện chứng bệnh cứ lặp đi lặp lại, dày vò họ như một vòng luẩn quẩn từ ngày này sang ngày khác. Mỗi ngày thức dậy, là một hành trình đầy thử thách, như một cực hình. Bằng cách này hay cách khác họ nhất định phải vượt qua chúng. Thậm chí là phải hít thở thật sâu, để cảm nhận sự sống. Họ phải dùng mọi cách để biết rằng, một ngày nào đó mình sẽ vượt khỏi những căn bệnh này. Tuy nhiên, ngày nào còn chưa chấm dứt những cơn chán đời ập đến, những cơn mất ngủ khiến họ phải thức trắng đêm, những suy nghĩ tiêu cực đến tự ngược đãi cơ thể làm họ phải oằn mình giằng xé, họ vẫn chưa thôi nghi ngờ về bản thân.

Giống như việc phải làm sao khi một ca sỹ đột nhiên không còn cảm xúc để truyền tình cảm vào trong bài hát? Phải làm gì khi một họa sỹ bỗng dưng không còn rung động trước những cảnh vật xung quanh để thả hồn vào trong những tác phẩm? Hay một nhà văn bỗng một ngày họ bất chợt thấy nhân vật họ tạo nên không còn cuốn hút với người đọc nữa?

Họ sẽ nghi ngờ bản thân mình? Họ sẽ nghĩ mình chưa tài năng như họ từng nghĩ? Họ bắt đầu dừng lại, tập trung suy nghĩ, lo lắng về bản thân mình? Trước những thành tựu (đồ sộ) mà họ từng có trước đây, trước những khát khao mà họ từng ấp ủ khi bắt tay hành động, tiếp tục con đường còn dở dang của mình.

Là một người viết, tôi cũng từng cảm thấy hụt hẫng và thất vọng về bản thân nhường nào khi bỗng chốc một ngày, mọi việc đều trở nên vô cảm trước mắt, và tôi dần hờ hững với tất cả mọi thứ xung quanh.

Tất cả như một đốm lửa to đang mãnh liệt cháy bỗng chốc bị gáo nước hất xuống, hóa thành tro bụi.

Nghi ngờ bản thân không phải là thiếu định hướng hay cảm thấy bản thân mình thật kém cỏi

Tình cờ lướt web tôi thấy một bài viết rất hay, bài viết tên To Anyone With a Mental Illness Wondering If You’ll Get Through Today (tạm dịch Gửi đến những ai mắc bệnh tâm thần đang nghi ngờ về bản thân) có đoạn:

“Khi bạn nhìn thấy những cố gắng của mình bắt đầu được đền đáp, hãy tiếp tục những cố gắng nhỏ mọi lúc, mỗi ngày, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy những phần nhỏ của nhân cách đang được xây đắp. Có thể những khoảng trống và sự bình thản sẽ xuất hiện để bạn yêu thương bản thân nhiều hơn.

Con người bạn không phải là căn bệnh đe dọa đối với cuộc sống của bạn, chúng không hề liên quan đến nhau. Bạn cần nhớ điều đó, nếu có thể, hãy viết những dòng chữ trên mỗi ngày. Nói với bản thân rằng vì bạn sẵn sàng chiến đấu ngay khi mặt trời thức dậy. Nói điều đó khi trái tim bạn đập mạnh cùng với suy nghĩ về những bước chân bên ngoài cửa sổ. Hãy cố gắng và truyền đạt điều đó tới chính bạn.”

Có những điều tưởng chừng đơn giản với người này nhưng có thể đó lại là thử thách với người khác.

Ngày hôm nay tôi có thể nghi ngờ về năng lực học tập của mình, nhưng đó sẽ là bước đầu để tôi học cách cân bằng giữa việc học và làm một cách cân đối và phù hợp hơn.

Ngày hôm nay cô bạn tôi có thể nghi ngờ về khả năng làm quen với môi trường làm việc khắc nghiệt sau này, đó sẽ là bước đầu để cô cân nhắc trong tương lai tới có nên xin việc làm hay ứng tuyển thực tập tại công ty nào đó hay không.

Ngày hôm nay có thể bạn nghi ngờ về học lực của mình, đó sẽ là bước đầu để bạn bắt tay vào công cuộc cải thiện điểm số của mình.

Ngày hôm nay có thể một bệnh nhân ung thư nghi ngờ về khả năng chống chọi với căn bệnh thế kỷ, đó sẽ là bước đầu họ chấp nhận đặt chân vào con đường đầy thử thách chiến đấu để lấy lại sinh mạng của mình.

Khi lựa chọn đọc bài viết có tựa đề này, hẳn bạn cũng đang có nghi ngờ gì đó, về bản thân. Và thông điệp cuối cùng tôi muốn gửi tới bạn rằng: Nghi ngờ bản thân không phải là thiếu định hướng hay cảm thấy bản thân mình thật kém cỏi, mà nghi ngờ là bước đầu của sự thay đổi, một sự tiến bộ để vươn ra những u ám hiện tại, cũng là bước đầu, cho một sự khởi đầu mới.