Nhân vật Naoko trong tác phẩm “Rừng Na Uy” của Haruki Murakami có nói một câu đại loại rằng: giá như con người ta chỉ quay đi quay lại giữa tuổi 19 và 20 thôi nhỉ. Tôi thì không, cứ nhấp nhổm mong mãi đến những ngày mình hơn 20 tuổi như khao khát một cuộc sổ lồng, để tự mình làm gì đó mà không phải nghĩ xem mấy giờ rồi – hệ quả của luật giới nghiêm đi đâu cũng phải về trước 9 giờ tối mà bố mẹ tôi đặt ra. Nhưng cuối cùng thì, khi đã ở tuổi 20, tôi tiêu mãi không hết thời gian trong những ngày tháng ấy. Đến mức mà điều tôi sợ nhất là phải đi ăn một mình.
Trong cuốn sách đầu tay “Boyology”, tôi ghi chép về tuổi 20 nhiều nổi loạn – cái nổi loạn đáng lẽ phải diễn ra vào lúc 17 tuổi mới phải: tô chì đen kịt mắt, nghe nhạc rock ‘n roll và hút vài hơi “cần” để nhảy nhót. Nhưng cuối cùng thì sự nổi loạn chỉ diễn ra khi chuyện học hành đã xong, công việc đầu tiên đã mang về tháng lương đầu đời; đến vũ trường, tôi cũng chỉ dám tu nước cola có ga.
Sự sổ lồng không vui như tôi tưởng, thường đầy rẫy những dằn vặt cảm xúc yêu đương, thấy mình cứ như một cái phễu, thèm được nhận mà loay hoay không biết cách cho đi. Thèm được ở một mình mà vẫn vui như ở với nhiều người. Cái bồn chồn của tuổi 20 khiến cho tôi kể cả có xem một bộ phim cũng cứ nhấp nhổm sợ rằng nó không có một kết thúc trọn vẹn. Và đặc biệt, thời gian trôi rất chậm. Chậm hơn so với những ngày 30 tuổi rất nhiều. Thật lạ, vì vẫn chỉ là từng ấy giây phút trong một ngày, dậy khi buổi sáng đã trễ muộn, vậy mà vẫn mãi không đến hết buổi đêm. Vào lúc ấy, điện thoại di động mới xuất hiện, tận năm trăm đồng cho một tin nhắn 160 ký tự, nó trở thành nguồn tiêu thời gian duy nhất. Cứ mỗi khi nạp tiền từ thẻ, tôi vồ lấy điện thoại nhắn lấy nhắn để cho ai đó rủ đi ăn…
Cuối cùng thì, khi đã ở tuổi 20, tôi tiêu mãi không hết thời gian trong những ngày tháng ấy. Đến mức mà điều tôi sợ nhất là phải đi ăn một mình.
24 tuổi, tôi bắt đầu sống một mình trong căn hộ kiểu studio được xây từ thời Pháp ở một phố cổ Hà Nội. Lúc ấy tôi có công việc mới ở Đài Truyền hình. Đó là thời tin nhắn trên điện thoại đã qua, người ta bắt đầu chát chít trên internet bằng Yahoo! Messenger. Một cậu bé đồng nghiệp nọ thỉnh thoảng chở tôi về nhà. Cậu là người nổi tiếng với tư cách một hacker. Cậu giỏi đến mức độ hack được cả một mẩu phim mà từ đó cô bé Vàng Anh ngày nào mất hết cả thanh danh lẫn sự nghiệp. Chẳng bao lâu sau, cậu phải vào nhà giam 4 tháng cho sự dại dột của mình. Tiếp đó, mọi chuyện về lại nhịp sống cũ. Cậu vẫn thi thoảng chở tôi về căn nhà nơi phố cổ, luôn có vẻ líu lo không chút ưu sầu, dù đã mang cả tiền án lẫn tiền sự trong lý lịch tuổi 20 của mình. Có đúng một lần, khi mạng xã hội Facebook đã xuất hiện, không nhớ vì chuyện gì tôi chọn đăng một status đầy vẻ hận đời, cậu vào comment xin share lại. Chỉ đúng một lần đó thôi. Nên khi tôi nhận được cuộc gọi vào lúc 5 giờ sáng, một người bạn thông báo ngắn gọn rằng cậu đã ra đi rồi, thì tôi như khuỵu xuống. Tiếng khóc trong buổi sáng mờ sương không thành tiếng, như có một cái phễu đổ ồng ộc hết nước mắt ngược vào trong đến chừng nghẹn lại. Ai cũng biết cậu tự uống vốc thuốc ngủ để chết. Bây giờ, khi Facebook nhắc lại mục “On this day”, comment của cậu vẫn đông cứng ở đó!
Những năm 20 là vậy, sự cô đơn được giấu rất kín, không bồng bột nổi loạn như tuổi 17 nhưng có sức tàn phá ghê gớm.
Những năm 20 là vậy, sự cô đơn được giấu rất kín, không bồng bột nổi loạn như tuổi 17 nhưng có sức tàn phá ghê gớm. Kể cả khi chuyển đến thành phố mới đầy năng lượng như Sài Gòn, tôi vẫn thấy mình lạc lối trong một căn hộ chung cư ở lầu 8, nơi người bạn cùng nhà đã lẳng lặng đi du học mà gần như không báo trước với tôi. Vào lúc chợt nhận ra, tôi thấy mình chơ vơ nơi ban công đầy tiếng còi xe, chỉ mong có một tin nhắn đến điện thoại rằng: “Hãy cùng nhau đi ăn tối nhé!”. Khi ấy, tôi sẽ mặc quần áo đẹp và đến những nhà hàng hay quán bar có ánh sáng rực rỡ.
Những năm 20 tuổi, người ta dành nhiều thời gian nhất để hẹn hò. Tôi không sao quen được việc có mặt ở những nơi rực rỡ mà phải đi một mình, dù trong sâu thẳm tôi thực sự thích làm việc đó. Tuy vậy, có những người như Landon, hay mặc áo màu cam quần màu xanh lam, là tâm điểm của đám đông – bất kỳ đám đông nào. Cậu chuyên đi có một mình. Tôi thấy cậu ở đầu bữa tiệc và cuối bữa tiệc, luôn là người Mỹ đẹp trai nhất với đôi mắt sáng nhất và nói tiếng Việt giỏi nhất.
Thế rồi cậu chọn gieo mình xuống, từ một ban công nhà cao tầng đầy tiếng còi xe. Bất kể cậu luôn sáng chói rực rỡ thì từ sâu thẳm, sự cô đơn của một người trẻ mắc bệnh trầm cảm suốt thời vị thành niên chẳng thay đổi việc cậu chọn ra đi mãi mãi. Chúng tôi cứ ngồi đó, khóc như mưa như gió, cho chính những bữa tối lẻ loi một mình, trong đám tang đông người ở nhà thờ Đức Bà. Cho chính tuổi trẻ mong manh mà những bữa tiệc không cứu nổi thứ ám ảnh bị ở lại chỉ một mình mình. Sự bồn chồn của việc có ai đấy đi cùng mình đến một bữa tối luôn như một bộ phim có cái kết không trọn vẹn, dù chuyện hẹn hò có hoàn hảo đến đâu.
Mãi sau này, khi ở tuổi 30 và có đứa con đầu lòng, tôi mới biết thực ra lúc ấy, chuyện mình đi cùng với ai không quan trọng bằng việc tìm thấy sự yên tĩnh của chính mình. Khi qua tuổi 20, tôi học được cách tự mình đến quán ăn để gọi món salad, nghe lỏm cuộc cãi vã của cặp đôi bàn bên cạnh hay gội đầu rồi mặc chiếc váy đẹp để đến quán bar gọi một ly rượu rồi về. Thậm chí, tôi đi du lịch một mình đến những nơi xa, thuê khách sạn sát biển chỉ để có mỗi mình mình. Thời gian trôi nhanh như chớp mắt.
Giờ tôi ngắm nhìn lại những tuổi 20 xung quanh mình. Vẫn chếnh choáng, lạc lối. Vẫn có cái chết tự tìm đến trong một buổi sáng sương lạnh ở Đà Lạt hay sau một buổi tiệc tùng mà nỗi buồn ứ lại không thoát đi đâu được. Và có lẽ từ rất nhiều những bữa tối không đi cùng ai. Với một số nhỏ, có lẽ cũng như Naoko, họ chọn sau 20 là tuổi 19.
Không ai bước qua tuổi 20 của mình dễ dàng. Bởi vì có những năm tháng quá đẹp và quá buồn, ta mới thành ta của ngày hôm nay.
Không ai bước qua tuổi 20 của mình dễ dàng. Bởi vì có những năm tháng quá đẹp và quá buồn, ta mới thành ta của ngày hôm nay.