Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.
Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!
***
Mấy năm trở lại đây, những câu chuyện tiêu cực về giáo dục bỗng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Không chỉ những người làm trong ngành mà dường như cả xã hội đều trăn trở rằng đích đến của ngành giáo dục ở đâu và chúng ta đang định hướng điều gì cho thế hệ tương lai của đất nước?
Thực tế, có rất nhiều bài viết, diễn đàn bàn về vấn đề này nhưng câu trả lời “Chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc là gì, cụ thể như thế nào?” thì vẫn còn khá mơ hồ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được trích dẫn một vài quan điểm của nhà giáo Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, mong được thảo luận cùng quý độc giả:
Sau nhiều năm làm giáo dục, nhà giáo cho rằng, con người “Tam Tính” (bao gồm “Nhân tính, Quốc tính và Cá tính”) chính là đích đến của giáo dục. Cụ thể:
“Nhân tính”
Là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với “con khác”, khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc… Đó là nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn như là “tự do, bình đẳng, bác ái” hay “chân, thiện, mỹ”, chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.
“Chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc là gì, cụ thể như thế nào?”
Để hình thành nhân tính thì phải có cái “đầu sáng”, trái “tim nóng” và cái “bụng rộng”:
“Đầu sáng” để phân biệt được đúng-sai, phải-trái, thật-giả, thiện-ác, chính-tà…
“Tim nóng” là trái tim biết rung cảm trước cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy hoặc sờ thấy, mà chỉ có thể cảm nhận; biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại; không im lặng trước cái ác; và sống tình yêu thương, lòng trắc ẩn…
“Bụng rộng” là sự bao dung, vị tha. Chỉ có “bụng rộng” ta mới sống bớt bon chen, ích kỷ và mới có thể chứa được cả sự hẹp hòi của người khác .
Nói cách khác, làm người thì cần phải có nhân tính. Nếu không có nhân tính thì không phải con người, mà chỉ là sinh vật mang hình hài của con người mà thôi.
“Cá tính”
Cá tính chính là bản thể và giá trị sống của mỗi người chúng ta, là “bề trong” (phẩm giá), “bề trên” (Đức tin) và “bề ngoài” (tính cách) của riêng mình. Đây chính là thứ để phân biệt mình với người khác, khiến mình khác với đồng loại.
Tuy nhiên, hiện nay, “cá tính” lại được hiểu theo nghĩa là một nét dị biệt khác người. Điều này vô hình chung đã làm méo mó nghĩa của từ. Cũng như chữ “tự do” hay được hiểu là “muốn làm gì thì làm”, “thoải mái thể hiện cá tính không sợ bị ai la rầy”…. Hậu quả của những điều này là không ít những đứa trẻ lớn lên trong sự nổi loạn, hoang mang đi tìm chính mình.
Cá tính chính là bản thể và giá trị sống của mỗi người chúng ta, phân biệt mình với người khác.
Như vậy, cá tính nếu không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành… “quái tính”, cũng như tự do không có văn hóa sẽ trở thành thứ tự do hoang dã. Bởi lẽ, muốn “được là chính mình” thì trước hết cần “được là người”.
“Quốc tính”
Quốc tính được cấu thành bởi “dân tính” và “tộc tính”. “Dân tính” tức là “trách nhiệm công dân”, là dân quyền. Còn “tộc tính” có thể được hiểu là “hồn cốt dân tộc”, là cảm thức về gốc gác; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là “cái neo văn hóa” của mình trong “chốn năm châu”.
Một đứa trẻ có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt, nhưng lại không rành tiếng Việt lắm, thường chỉ thích ăn đồ Tây, không quan tâm cội nguồn dân tộc Việt, ít có nét văn hóa Việt nào trong người thì liệu có thể được coi là một “người Việt”?
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là, trong tính cách của dân tộc nào, bao giờ cũng có cả cái tốt lẫn cái xấu, có cả hủ tục lẫn mỹ tục. Vậy đâu là “quốc tính” mà ta nên giữ và nên bỏ? Chẳng hạn, đã từng xảy ra tranh cãi về chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng. Nghi lễ ấy đã tồn tại hơn 800 năm, lẽ nào không xứng đáng là “quốc tính”? Nhưng liệu “quốc tính” của người Việt có máu me và bạo lực như thế!?
Từ ví dụ đó, có thể thấy “quốc tính” cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng “nhân tính”. Một “quốc tính” (gồm cả “dân tính” và “tộc tính”) cho dù ăn sâu bén rễ lâu và sâu đến đâu nhưng nếu đi ngược lại với “nhân tính” sẽ không bao giờ là điều đáng để giữ gìn.
Người lớn không thể cứ rao giảng những bài học lý thuyết sáo rỗng một cách không định hướng và không có đích đến mãi, mà cần có sự thay đổi thực chất. (Ảnh: elearning.otm.vn)
Tổng kết lại, dù là cá tính hay quốc tính đều cần được xây dựng trên nền tảng của nhân tính. Nói cách khác, “nhân tính” sẽ là một màng lọc để loại ra những “quốc tính” trái với nó, đồng thời cũng là sự đảm bảo cho “cá tính”.
Nhân tính vốn đã hình thành từ khi con người vừa mới chào đời. Nó theo chúng ta từ khi còn là những sinh linh bé nhỏ cho đến lúc trưởng thành và già đi. Nhưng nó cũng sẽ bị mất đi nếu con người bỏ rơi và lãng quên nó.
Con người chỉ thực sự là người khi hội đủ Ngũ luân ( Nhân- lễ- nghĩa- trí – tín), trong đó chữ Nhân đứng đầu. Tình yêu thương, lòng nhân ái là đức tính tốt đẹp nhất để phân biệt người và động vật. Nếu con người không có nhân tính thì trái đất chỉ còn chết chóc, hận thù. Con người nếu không có nhân tính thì sẽ giày xéo lên nhau, chém giết lẫn nhau để giành giật, từ miếng ăn cho đến danh và lợi.
Chúng ta suốt ngày răn dạy con trẻ “học để làm người”, nhưng chính chúng ta cũng cần xem xét lại bản thân mình đã thực sự đủ tiêu chuẩn làm người hay chưa. Người lớn không thể cứ rao giảng những bài học lý thuyết sáo rỗng một cách không định hướng và không có đích đến mãi, mà cần có sự thay đổi thực chất. Bởi nếu không cẩn thận, giáo dục nước nhà sẽ chỉ tạo ra được một thế hệ “điểm số cao” nhưng ít tình người, một thế hệ hoang dã mà thiếu cá tính, một thế hệ người-Việt-mà-không-phải-người-Việt mà thôi.