Đây là cuốn sách Bill Gates khuyên bạn nên đọc nếu muốn thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi vào mỗi sớm mai thức giấc

Con người luôn lo lắng. Đây không hẳn là việc tồi tệ. Nếu một chú gấu đang rình rập bạn, bạn sẽ lo lắng liệu mình có thể sống sót nổi không. Cuộc sống hiện đại ẩn chứa quá nhiều mối lo ngại khiến chúng ta không thể yên giấc như khủng bố, biến đổi khí hậu, sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo, những thủ đoạn tinh vi nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thậm chí là sự suy giảm đáng kể trong các hợp tác quốc tế.

Với cuốn sách mới đầy hấp dẫn mang nhan đề “21 Lessons for the 21stCentury”, nhà sử học Yuval Noah Harari đã đưa ra giải pháp nhằm đương đầu với những nỗi sợ hãi đó. Nếu như các cuốn sách bán chạy trước đó của Yuval Noah Harari như “Sapiens” và “Homo Deus” lần lượt đề cập đến quá khứ và tương lai thì tác phẩm mới nhất này của ông lại bàn về thực tại. Theo ông, bí quyết để chấm dứt nỗi sợ hãi đang bủa vây chúng ta là hãy ngừng lo lắng. Như ông viết trong phần mở đầu như sau: “Cho đến nay, đâu là những thách thức lớn nhất và những thay đổi quan trọng nhất? Chúng ta nên chú ý vào điều gì? Chúng ta nên dạy trẻ em điều gì?”

Mọi người đều thừa nhận đây là những câu hỏi lớn và cuốn sách của Yuval Noah Harari đã bao quát hết các vấn đề đó. Cuốn sách có chương đề cập đến chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, nhập cư, giáo dục và 15 vấn đề trọng yếu khác. Nhưng tiêu đề của nó lại gây ra sự  nhầm lẫn. Mặc dù bạn sẽ tìm được một vài bài học cụ thể nằm rải rác trong cuốn sách nhưng Harari hầu như lại cố ý chống lại những cách trình bày nội dung theo kiểu tiện dụng. Ông tập trung nhiều hơn đến việc thảo luận và trình bày quan điểm từ góc độ lịch sử và triết học.

Chẳng hạn như, ông tiến hành một thí nghiệm thông minh để nhấn mạnh khả năng đi xa của con người trong việc tạo ra nền văn minh mang tính toàn cầu hoá. Ông nói, bạn hãy tưởng tượng đến những nỗ lực tổ chức một Thế vận hội Olympic vào năm 1016. Đây gần như là điều không thể. Người châu Á, châu Phi và châu Âu không biết người Mỹ đang tồn tại. Thậm chí chẳng quốc gia nào có quốc kỳ hay quốc ca để thể hiện lòng tự tôn dân tộc khi giành chiến thắng trên các đấu trường quốc tế.

Vấn đề là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay – dù ở các môn thể thao hay trên sàn giao dịch – “thực sự đang đại diện cho một thoả thuận toàn cầu đáng kinh ngạc”. Và thoả thuận toàn cầu đó khiến cho việc đấu tranh hay hợp tác đều dễ dàng hơn. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ trong tâm trí rằng, trong thời gian tới, bạn phải đương đầu với việc liệu bạn có thể giải quyết một vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay không. Cuộc cạnh tranh toàn cầu của chúng ta đã có những bước thụt lùi trong hai năm qua nhưng trước đó, chúng ta đã tiến lên phía trước hàng ngàn bước.

Vậy tại sao thế giới lại có vẻ như đang suy sụp như vậy? Đa phần là vì chúng ta không sẵn sàng trước những bất hạnh và đau khổ. Ngay cả khi số vụ tấn công, bạo lực trên thế giới ngày càng giảm đáng kể, chúng ta vẫn luôn tập trung vào số người chết mỗi năm trong các cuộc chiến tranh bởi vì mức độ lên án những hành động bất công ngày càng gia tăng. Và chúng ta nên làm như vậy.

Còn đây là một nỗi lo khác mà Harari đang tìm cách giải quyết: Trong một thế giới ngày càng hỗn độn, chúng ta phải làm sao để có đủ thông tin trước khi đưa ra các quyết định sáng suốt? Ai cũng muốn mình trở thành chuyên gia nhưng làm thế nào để chúng ta biết mình không chạy theo bầy đàn? Harari viết: “Không chỉ có người đi bỏ phiếu và khách hàng tỏ ra thiếu hiểu biết mà các Tổng thống và nhiều Giám đốc điều hành cũng rơi vào tình trạng đó”. Đó là điều tôi học được ở cả Microsoft và Quỹ Gates. Tôi đã phải thận trọng để không tự đánh lừa bản thân khi cứ cho rằng sự việc nào đó tốt hơn hoặc tồi tệ hơn so với thực tại vốn có của chúng.

Vậy theo Harari, chúng ta nên làm gì trước những thực trạng đó? Chia nhỏ vấn đề là một cách. Bạn có thể áp dụng chiến lược ba nhánh để chống lại khủng bố và một số bí quyết nhỏ nhằm xử lý các tin tức giả mạo. Nhưng ý tưởng lớn lại là ngồi thiền. Đương nhiên, ông không đề xuất rằng các vấn đề nổi cộm của thế giới sẽ biến mất nếu chúng ta bắt đầu ngồi khoanh chân trên đài hoa sen và tụng kinh. Tuy vậy, ông lại cực lực nhấn mạnh rằng, cuộc sống ở thế kỷ 21 cần đến chánh niệm – hiểu bản thân sâu sắc hơn. Đây là điều rất dễ bị chế giễu nhưng khi ai đó theo học một khoá về chánh niệm và thiền định thì tôi tin rằng, họ sẽ nhận thấy môn học đó thực sự hấp dẫn.

Mặc dù tôi ngưỡng mộ và rất thích cuốn sách “21 Lessons for the 21stCentury” nhưng tôi không tán thành với tất cả nội dung trong cuốn sách. Tôi cảm thấy vui mừng khi đọc đến chương viết về sự bất bình đẳng nhưng tôi hoài nghi về dự đoán của ông rằng, trong thế kỷ 21, “thông tin sẽ lấn ất cả đất đai và máy móc với tư cách là thứ tài sản quan trọng nhất”, phân biệt người giàu với phần còn lại. Đất đai sẽ luôn luôn là tài sản cực kỳ quan trọng, đặc biệt khi dân số toàn cầu đã chạm mốc gần 10 tỷ người. Trong khi đó, thông tin về những nỗ lực phi thường của con người – chẳng hạn như cách con người trồng trọt và sản xuất ra năng lượng – sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.

 

Tương tự như vậy, tôi muốn chứng kiến nhiều sắc thái hơn nữa trong cuộc thảo luận của Harari về thông tin và tính bảo mật. Ông ấy rất đúng khi nhận xét rằng thông tin cá nhân bị thu thập ngày càng nhiều hơn nhưng ông ấy lại không phân biệt các loại thông tin được thu thập đó – loại giày bạn thích mua so với những căn bệnh bạn dễ mắc do di truyền – hoặc ai là người thu thập những thông tin này hay họ sử dụng các thông tin đó như thế nào. Những món hàng bạn từng mua và tiền sử bệnh tật của bạn… không phải do cùng một người thu thập, bảo vệ hoặc được dùng vào những mục đích giống nhau. Việc nhận ra sự khác biệt này sẽ khiến cho phần thảo luận của ông sáng tỏ hơn.

Tôi cũng không nhất trí với chương viết về cộng đồng. Harari lập luận rằng phương tiện truyền thông, trong đó có Facebook, đã góp phần vào sự phân cực chính trị bằng cách cho phép người dùng chỉ tương tác với những người chung quan điểm. Đương nhiên, quan điểm đó không sai nhưng ông ấy đã bán rẻ những lợi ích của việc kết nối gia đình và bạn bè trên khắp thế giới. Ông ấy cũng tạo ra một hình nộm và hỏi liệu một mình Facebook có thể giải quyết được vấn đề phân cực chính trị hay không. Đương nhiên, Facebook không đủ sức xử lý nổi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét đến mức độ sâu sắc của vấn đề. Chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đều có vai trò của mình và tôi ước Harari nói nhiều hơn về họ.

Tuy vậy, Harari là một tác giả thú vị đến nỗi ngay cả khi tôi không hoàn toàn đồng ý với các quan điểm ông đã trình bày, tôi vẫn sẽ tiếp tục đọc và nghĩ về những gì ông viết. Sau cuộc vật lộn với ba cuốn sách của ông, người ta vẫn thấy một câu hỏi đầy nhức nhối: “Cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa gì trong các thập kỷ và thế kỷ tới?” Gần đây, lịch sử nhân loại đã được khát vọng sống lâu hơn, khoẻ hơn và hạnh phúc hơn dẫn đường. Cuối cùng, nếu khoa học có thể đưa mơ ước đó đến với hầu hết mọi người và một số lượng lớn người dân không cần phải làm việc để nuôi sống mọi người thì chúng ta còn có lý do nào để thức dậy vào mỗi buổi sáng?

Dù Harari không đưa ra câu trả lời thoả đáng nhưng người ta không chỉ trích ông về điều này. Vì vậy, tôi hy vọng tương lai, ông ấy sẽ tìm ra được câu trả lời đầy đủ hơn. Trong lúc chờ đợi, ông ấy đã dọn đường cho một cuộc thảo luận mang tính toàn cầu đặc biệt quan trọng về cách xử lý lại các vấn đề nổi cộm của thế kỷ 21.