Hãy tạm gác lại những chiếc CV hay những buổi phỏng vấn khó nhằn đầy căng thẳng… Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện thú vị về một anh bạn của chúng tôi – một chú khỉ lông vàng. Hãy gọi anh bạn này là Mon.
Một hôm, Mon được đưa đến một căn phòng. Ở giữa phòng người ta đặt một cái thang, trên đỉnh thang treo một nải chuối. Trong phòng còn có bốn con khỉ khác.
Mon nhìn nải chuối vàng tươi treo lủng lẳng rồi liếc nhìn những anh bạn xung quanh vẫn đang điềm tĩnh như không có chuyện gì. Cuối cùng, nó quyết định trèo lên chiếc thang để túm lấy thức ăn yêu thích của mình. Thật không may là trước khi Mon kịp tiến gần hơn đến nải chuối thì những con khỉ khác phát hiện ra ý định của nó và xông đến đánh cho cậu chàng một trận tơi bời.
Sau vài lần như vậy thì Mon không bao giờ dám mơ mộng về nải chuối nữa. Và rồi nó nhập bọn cùng những chú khỉ kia. Thỉnh thoảng sẽ có một con khỉ mới được đưa đến để thế chỗ cho một con đang ở đó. Giống như Mon, những chú khỉ mới đến này thể nào cũng được xơi vài trận no đòn trước khi chúng trở nên giống như những con khác, xông vào đánh bất kì anh bạn nào có ý định trèo lên chiếc thang. Dù chúng cũng không hiểu vì sao mình nên làm thế.
Tại sao những con khỉ lại hành động như vậy? Mon không biết và bốn chú khỉ đến sau cậu cũng không biết.
Chỉ có năm chú khỉ xuất hiện ở căn phòng này lần đầu tiên biết chuyện gì đã xảy ra.
Chuyện kể rằng vào lần đầu tiên, người ta đưa đến đây năm chú khỉ và cũng bố trí căn phòng với chiếc thang và một nải chuối giống như vậy.
Mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, người ta lại phun nước lạnh vào những con còn lại, làm chúng rất khổ sở.
Sau một thời gian, mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, những con còn lại, vì không muốn bị phun nước nên sẽ tóm lấy con kia và đánh cho tơi bời.
Dần dần, không có con nào trong số năm con khỉ có ý định trèo lên thang nữa. Người ta bèn bắt ra một con và thay bằng con mới, đó là Mon. Sau những trận đòn nhừ tử, Mon không bao giờ còn dám trèo lên cái thang nữa dù nó cũng không hiểu vì sao mình bị đánh. Thay vào đó, nó sẽ xông vào đánh bất kì con khỉ “ngu ngơ” nào mới đến muốn trèo lên cái thang kia. Và đừng hỏi vì sao nó lại làm thế, Mon cũng chả biết nốt. Đơn giản vì thấy bọn kia làm vậy nên đánh theo thôi.
Và câu chuyện tiếp tục diễn tiến như phần đầu đã kể.
Lần lượt năm chú khỉ ban đầu được thay ra hết.
Bây giờ, chỉ có Mon và bốn con khỉ mới ở trong phòng. Không có con nào từng bị dội nước. Nhưng cũng không con nào dám trèo lên thang. Và cả năm sẵn sàng đánh nhừ tử bất kỳ con nào khác dám có ý định đó, mà không hiểu vì lí do gì.
Đứng trên phương diện của một nhà quản lý, có lẽ bạn có thể nhìn câu chuyện này theo một hướng tích cực nào đó. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các nhân viên của mình để tự giám sát nhau trong công việc, tự hình thành quy tắc và không ai có thể vượt qua khuôn khổ đó.
Nhưng hãy thử đứng trên góc độ của chính bạn. Đã bao giờ bạn ở trong tình huống giống như Mon. Tiếp nhận điều gì đó như một sự mặc định. Không cần hiểu căn nguyên vì sao. Bạn hành động theo số đông và dần già nguyên lý số đông bỗng trở thành chân lý? Mà đã là chân lý thì có cần gì phải hiểu vì sao!
Trong cuộc sống và cả công việc, đã bao nhiêu lần bạn chấp nhận từ bỏ lập trường của mình và thuận theo số đông khi bắt gặp khó khăn hay một sự phản đối nào đó. Lần đầu tiên tham gia làm việc cùng một nhóm mới. Ý tưởng về đổi mới phương pháp làm việc của bạn bị mọi người phản đối bởi vì “trước giờ vẫn vậy có làm sao đâu”. Thôi thì cũng là lần đầu tiên. Cứ tạm lùi một bước rồi tiến ba bước sau. Lần này cứ tạm thời thuận theo ý mọi người đã. Dần già, bạn quen với việc “tạm lùi một bước” mà mãi chẳng thấy “tiến ba bước” đâu. Bạn ngại phải đưa ra một ý tưởng mới và lại bắt gặp những cái lắc đầu của số đông.
Chúng ta thường dễ dãi ở lần đầu tiên. Và những lần đầu tiên cho phép chúng ta có những lần sau đó. Trong một vài tình huống có lẽ đó là lựa chọn dễ dàng nhất. Nhưng trước khi quyết định xem đó có đúng là lựa chọn dễ dàng nhất hay không, hãy thử cố gắng hết sức với ý tưởng của mình, thuyết phục mọi người, và nếu không thành công, đừng ngại đưa ra ý tưởng mới khác cho những lần sau.