Thời gian đời người trải qua gần trăm năm không phải ngắn, nhưng so với thời gian khổng lồ của vũ trụ bao la thì không là gì cả. Đời sống con người thật muôn màu muôn vẻ, những so với vật chất trong vũ trụ to lớn kia thì không khác gì hạt cát bé nhỏ. Tuy vậy, trong cái nhỏ bé của đời người, tất cả chúng ta đều tự hỏi bản thân rằng: “Đời người vì điều chi mà lao tâm khổ tứ? Điều gì là ý nghĩa chân chính của đời sống con người?”
Điều gì khiến chúng ta không hạnh phúc?
Nhiều người đặt ra một “kế hoạch lớn” trong đời là tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là thế nào? Chúng ta có tất cả các vấn đề về tài chính, sự nghiệp, các mối quan hệ, cuộc sống gia đình, xã hội và môi trường,…hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần nâng cấp, hay giải quyết các vấn đề này, hạnh phúc sẽ đến.
Tuy nhiên, khi điều kiện sống trở nên tốt hơn, nhiều người rõ ràng vẫn không hạnh phúc, một số người thậm chí còn rơi vào tình trạng thất vọng, trầm cảm. Chúng ta đang sống trong một thế giới căng thẳng mỗi ngày bởi tin tức. Sự căng thẳng này được kết hợp bởi tốc độ của thông tin điện tử, những tiến bộ trong công nghệ và những thay đổi tụt dốc liên tục trong các chuẩn mực xã hội.
Tác giả Gary Petty cho rằng kết quả của việc này là nhiều người, bất kể tuổi tác hay tình trạng kinh tế của họ, cố gắng sống ở trong những chiếc “bong bóng” ảo tưởng, giả vờ rằng tất cả sự hỗn loạn và thay đổi này nằm ngoài “bong bóng” và không thực sự ảnh hưởng đến mình. Rồi khi cảm giác hạnh phúc thoáng qua tan biến, chúng ta suy sụp tinh thần và cảm xúc. Điều gì xảy ra nếu “bong bóng hạnh phúc” của bạn tan vỡ, khi người yêu bỏ rơi bạn, khi bạn mất việc, hoặc phát hiện ra người thân mắc bệnh ung thư? Những gì còn lại chắc hẳn là sự căng thẳng, buồn bã.
Nhà tâm lý Tony Fahkry đã chia sẻ rằng: “Nếu bạn trói buộc hạnh phúc của mình để đáp ứng nhu cầu bên ngoài mọi lúc, hạnh phúc sẽ trốn tránh bạn. Một số người trở thành nô lệ cho nỗi đau cảm xúc và không thể tìm đường ra, mặc dù đã nỗ lực hết sức. Tương tự, những người khác bị ám ảnh bởi mong muốn có được niềm vui, nhưng đó lại là điều không bền vững”.
Vì vậy, nhiều người đi tìm “con đường hạnh phúc”. Bạn theo dõi những người mà bạn cho rằng hạnh phúc, những người có vài triệu người theo dõi trên Instagram, những ngôi sao nổi tiếng, tìm kiếm những người có cuộc sống giàu sang và vẻ ngoài hào nhoáng,… Đặc biệt thời đại ngày nay với những tiến bộ trong công nghệ, chúng ta ngày càng chú trọng hơn vào vật chất, làm thế nào để có được nhiều thứ tốt hơn, có nghĩa là hạnh phúc hơn.
Nó sẽ tương đương với việc chúng ta có thể nói rằng thế giới phát triển ngày hôm nay sẽ chứa đựng những con người hạnh phúc nhất từng sống trong toàn bộ lịch sử loài người bởi vì họ có nhiều thứ tốt hơn cả. Thực tế không hề như vậy.
Ngay khi mà con người xem nhẹ các giá trị đạo đức và làm mọi thứ để chạy theo lợi ích, địa vị, danh vọng, tình cảm,…như cách nói của tác giả Daniel Jeffries: “Họ đã trở thành đại lý bất đắc dĩ của sự si mê. Điều làm cho họ trở thành tồi tệ thật sự là họ không biết rằng mình đang tạo ra ảo tưởng. Họ tin vào lời nói dối của trào lưu đạo đức tuột dốc và của chính mình. Khi tôi nhìn xung quanh hầu hết những người nổi tiếng, những người đứng đầu, các chính trị gia, tôi thấy họ như những người bị mắc kẹt, những người không bao giờ lớn lên, những người ngừng phát triển”.
Nhà văn J.K Rowling bị trầm cảm ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, cô cho biết đó là cách cô nghĩ ra những sinh vật đáng sợ nhất trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter của mình.
Đầu bếp hàng đầu thế giới Anthony Bourdain đã có tất cả mọi thứ mà một người cho rằng có thể đem đến cho ông hạnh phúc như mong đợi: Tiền, danh tiếng, người hâm mộ, sự nghiệp, thành tựu, thậm chí là thức ăn ngon, một cuộc sống du lịch và phiêu lưu. Cuối cùng, ông đã tự sát. Tại sao lại có những người có vẻ “hạnh phúc” nhiều như thế lại tự mình kết thúc tất cả, thậm chí hủy hoại cả mạng sống của mình?
Tác giả Frahkry đã mô tả: “Đó là thiếu vắng hoàn toàn cảm nhận rằng bạn sẽ lại vui vẻ, đó là sự thiếu vắng hy vọng, cảm giác rất chết chóc. Đó là bản chất của quỷ”.
Thời hiện đại của chúng ta đây có thể được coi là thời đại của sự lo lắng, khi vật chất không thiếu thốn, nhưng những giá trị đạo đức ngày càng suy đồi, và sâu thẳm trong tâm hồn con người là sự bất mãn, mơ hồ, bất an, trống rỗng. Vì vậy, nhiều người đã tự hỏi rằng liệu hạnh phúc có phải là mục đích chính của cuộc sống này không?
Hạnh phúc có phải là mục đích cuối cùng của đời người?
Tác giả Tony Fahkry đã đặt một câu hỏi rất thú vị rằng: “Nếu hạnh phúc là mục tiêu chính của chúng ta, tại sao rất nhiều người không sẵn sàng hạnh phúc khi họ có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết?”
Nhà tư tưởng học Jeffries nhận định: “Tôi biết rằng chúng ta có quá nhiều “đĩa quay”. Chúng ta chạy xung quanh như những người điên để giữ tất cả những cái “đĩa quay” này trong cuộc sống của mình, từ công việc, đến nghĩa vụ xã hội và trẻ em, đến các cuộc họp và cuộc sống gia đình, phương tiện truyền thông xã hội…Nó khiến chúng ta kiệt sức. Nó giết chúng ta”.
Cụ thể hơn, Jeffries kể về tình huống của một người phụ nữ tên là Lisa, người có những “đĩa quay” vô tận với lịch trình, nghĩa vụ và trách nhiệm. Cô có thêm nhiều “đĩa quay” qua mỗi năm. Trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, cô phải điên cuồng giữ hàng đống “đĩa quay” cân bằng, loay hoay trong hoảng loạn không ngừng, sợ hãi rằng mình có thể ngã và làm vỡ chúng. Mục đích không gì khác hơn là giữ cho những chiếc đĩa xoay tròn trong vòng quay của lợi ích, danh tiếng và tình cảm.
Đó là cách mà nhiều người đang làm để tìm kiếm “hạnh phúc”, một thứ “hạnh phúc” mệt mỏi nhất khi chúng ta phải theo đuổi những tưởng tượng về cuộc sống hạnh phúc vĩnh viễn như thế. Một người dường như có tất cả mọi thứ cũng có thể trở thành kẻ “ăn xin” tinh thần. Thật vậy, kể cả những người giàu nhất thế giới, họ có thể có nhiều chiếc “đĩa quay” hơn bất kỳ ai khác, nhưng họ vẫn luôn đi tìm cho mình những điều khác hơn là thứ vật chất mình đang sở hữu.
Tại sao luôn có những “kẻ điên loạn” trong một xã hội mưu cầu “hạnh phúc”, những người theo triết lý “Người không vì mình trời tru đất diệt”? Điều này sẽ dẫn tới điều gì, họ có hạnh phúc khi làm tranh giành, làm hại, chiếm đoạt lợi ích của người khác không? Bạn có nghĩ rằng đây là hạnh phúc thật sự?
Tác giả Moose đã đưa ra ví dụ về sự xa xỉ được coi là một trong những nguồn hạnh phúc của nhiều người: Giả sử đó là một chiếc xe thể thao đẹp, một chiếc siêu xe Ferrari. Một chiếc Ferrari là gì? Về bản chất, nó chỉ là một loạt các phân tử được sắp xếp theo trình tự nhất định, và thể hiện trong thế giới này là một loại vật chất có tính thẩm mỹ. Đó là tất cả. Điều này chỉ mang lại niềm vui nhất thời, sau một thời gian bạn phải tìm kiếm “nguồn năng lượng khác” thay thế nó để duy trì “hạnh phúc”.
Moose đã tự hỏi liệu mô tả này nghe có vẻ như thực sự cấu thành hạnh phúc không? Con người có mức độ ý thức cao hơn mức này và hạnh phúc thực sự có thể đến từ cấp độ ý thức cao hơn, bằng những nhân tố khác biệt hơn là sự sắp đặt của một loạt các phân tử. Vì vậy, Moose cho rằng dường như chúng ta đang hạ thấp con người một cách bất thường khi nói rằng hạnh phúc thực sự chỉ nằm ở thứ gì đó bắt nguồn từ vật chất, hay nói rộng hơn, là chỉ nằm trong những gì mà bản thân muốn nắm giữ ở đời sống này.
Quay trở lại câu hỏi muôn thuở của nhân loại: “Hạnh phúc là gì và ở đâu?” Nếu bạn không thể tìm kiếm hạnh phúc từ thế giới bên ngoài, chúng ta nên xem xét những gì bên trong tâm hồn mình, như nhiều triết gia và các nhà tư tưởng lớn nhận định rằng: hạnh phúc thực sự phải là một thứ gì đó nội tại bên trong con người, điều gì đó kết nối với con người chúng ta ngay từ đầu, và nó có thể được gọi bằng những danh từ, hoặc khái niệm khác hơn là “hạnh phúc”, vốn dĩ chỉ giới hạn cảm nhận của chúng ta trong phạm vi nhỏ bé của thế giới vật chất này. Ngắn gọn hơn, con người cần hướng đến những giá trị khác là ý nghĩa chân chính của đời người.
Ý nghĩa của cuộc sống là gì?
Triết gia vĩ đại Plato đã nói:
Nếu bạn không muốn bị mù, hãy chọn lấy cho mình những giá trị đạo đức.
Như nhiều người đã nhận thấy, cuộc sống này đầy khó khăn, điều khó nhất là những đau khổ về mặt tinh thần, có những người thậm chí không biết rằng mình đã đi chệch đường, không cảm nhận được giá trị tinh thần của bản thân đã tuột dốc theo dòng chảy, và không một ai có ý tưởng thực sự về mục đích chính cho sự tồn tại của họ là gì. Tuy nhiên, khi bạn nâng cấp mức độ nhận thức của mình, bạn sẽ có nhiều lựa chọn sáng suốt hơn.
Chuyên gia trị liệu tâm lý David Richo nhận định rằng: “Cuộc sống đem lại những món quà bởi vì chúng là điều kiện để ta khám phá ra tính cách, chiều sâu tâm hồn và lòng trắc ẩn. Đây là những giá trị chúng ta phải trau dồi trong cuộc sống nếu muốn sống trọn vẹn”.
Có nhiều điều có thể giúp vượt qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống, người ta nói về đọc sách, kết bạn, chăm sóc sức khỏe, du lịch, yoga, tiếng cười,…Nhưng tất cả những điều này không phải luôn khởi tác dụng, nó chỉ giống như việc ai đó mời bạn một bữa ăn trong khi bạn cần một công việc có thể nuôi sống bản thân mình. Những giải pháp tạm thời không giải quyết được phần cốt yếu của vấn đề.
Tác giả Moose đưa ra ý tưởng rằng các “phân tử” (những thứ vật chất quanh ta) cần thiết để làm dịu những đau khổ của cơ thể chúng ta, nhưng hạnh phúc thực sự phải là gì đó lớn hơn tất cả các loại hạnh phúc giả định khác. Nó phải lớn hơn trong kích thước (về mặt giá trị) và thời gian (phải kéo dài thời gian lớn nhất có thể, hoặc trong toàn bộ sự tồn tại của bạn). Chúng ta cần thứ gì đó sẽ tồn tại lâu dài, vượt qua sự hỗn loạn không chắc chắn của vật liệu vật chất bề mặt này.
Con người sở hữu những điều gì mà không bắt nguồn từ thế giới vật chất? Chính là tính cách, quan niệm đạo đức, nhận thức – bạn là ai, bạn đối xử với người khác như thế nào và những giá trị mà bạn yêu quý. Đây dường như là những khía cạnh quan trọng nhất trong sự tồn tại của chúng ta vì chúng có khả năng tồn tại, bền vững theo thời gian mà không bị ảnh hưởng. Nếu vấn đề đạo đức là một khía cạnh bền vững và được kết nối sâu xa trong cuộc sống của chúng ta, thì hạnh phúc thực sự có thể đạt được thông qua một số đặc điểm nhất định.
Tuy nhiên, chúng ta học về nhân cách ở đâu? Nếu bạn sống trong một xã hội nơi đức tin, sự tôn trọng, danh dự, các nguyên tắc đạo đức đều có giá trị và có sức lan tỏa, thì rất có khả năng, bạn sẽ chọn những giá trị này và thực hành chúng. Điều tương tự cũng diễn ra cho một xã hội đầy sự đố kỵ, tham lam, bất an, và bạo lực. Vậy chúng ta lấy những giá trị chuẩn mực từ đâu và làm thế nào có thể chắc chắn rằng đó là những giá trị phù hợp?
Nhìn lại những gì đã trải qua trong lịch sử, có những giai đoạn nhân loại sống trong một xã hội có giá trị đạo đức rất cao, những gì đã được các nhà tư tưởng lớn công nhận, vẫn còn tồn tại và được tôn vinh cho đến ngày nay, như là sự chân thành, trung thực, tình yêu thương, sự đồng cảm, bao dung, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, khiêm nhường, trang nghiêm…Tinh hoa Nho giáo của Trung Quốc để lại những giá trị như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, tôn giáo phương Tây giảng về đức tin, Phật Giáo phương Đông nói về sự từ bi,…Có thể thấy, những gì qua thời gian vẫn nuôi dưỡng và xây dựng nền tảng tinh thần con người chính là những giá trị chúng ta cần gìn giữ và hướng đến.
Ngày nay, nhiều người đã “bừng tỉnh” trong thế giới hiện đại hỗn loạn này, họ không còn muốn ăn một “trái táo” đẹp đẽ được bơm “hóa chất” nữa, họ đi tìm cho mình hạt giống tốt nhất để trồng cây táo của riêng mình. Có nhiều người hơn nữa đang trên con đường tìm cho mình những giá trị bền vững theo thời gian. Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao đức tin vào Đức Chúa Trời, nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ tự do tín ngưỡng,…hơn 100 triệu người đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới đang “lội ngược dòng” bằng cách thực hành nguyên lý “Chân Thiện Nhẫn” theo môn khí công Phật gia Pháp Luân Công. Một thế giới quan rộng lớn hơn đang chào đón những người can đảm bước ra khỏi “cái ao” chật hẹp của xã hội truy cầu vật chất.
Kinh Thánh kể về một câu chuyện ngụ ngôn về một người đàn ông mời mọi người đến một bữa tiệc lớn. Ông đã chuẩn bị những thứ tốt nhất cho khách của mình. Nhưng khi ông cử người hầu đi mời, từng người khách một đưa ra lý do không thể tham dự: tôi cần phải chăm sóc tài sản của mình, tôi còn nhiều việc phải làm, tôi đã kết hôn và cần dành nhiều thời gian hơn với vợ,…những gì người đàn ông dự định cung cấp cho khách của mình tuyệt vời hơn nhiều so với những gì họ muốn cho cuộc sống của họ, nhưng họ sống trong những bong bóng nhỏ bé, ích kỷ theo đuổi hạnh phúc. Họ đã bỏ lỡ điều quan trọng.
Từ một góc độ khác, tác giả Gary Petty cho rằng: “Cuộc sống của bạn có giá trị hơn bạn tưởng tượng. Bạn có một mục đích rất cụ thể trong vũ trụ. Vấn đề là khám phá ra mục đích đó. Nó đi ngược lại với chương trình xã hội mà bạn và tôi đã trải nghiệm từ thời thơ ấu. Chúng ta đã được lập trình để tin rằng mục đích cuối cùng trong cuộc sống là mưu cầu hạnh phúc, nhưng thật ra không phải vậy. Cách duy nhất chúng ta có thể thoát ra khỏi mớ hỗn độn này là trở về với Đấng Tạo Hóa và khám phá mục đích ban đầu của chúng ta”.