Tìm lại sự chân thật

Tôi là một người không biết cách quản lý quỹ thời gian của bản thân. Tôi cũng không thể làm việc khi trong người không có tâm trạng cảm xúc. Mặc dầu tôi vẫn hoàn thành được dealines nếu như tự ép mình gồng lên chiến đấu, nhưng riêng khoản viết lách thì không. Tôi không thể viết được nếu như cột cảm xúc trong người đang tụt xuống ở mức số âm, hay nói cách khác là không có hứng.

Một nhà văn tôi rất thích đã từng nói rằng: khi muốn bắt đầu sáng tác, hay viết lách, hay làm bất cứ thứ gì, điều quan trọng nhất chính là sự chân thật. Nghe thì thật đơn giản. Nhưng giây phút tôi nhận ra mình là một con người kém cỏi chính là khi tôi ngồi đọc lại những bài viết của mình từ ngày xưa – khoảng hơn 4 năm về trước, rồi so sánh với hiện tại. Đó là hai người khác nhau. Tôi của 4 năm trước thật tuyệt vời, và tôi hâm mộ nó. Chính tôi còn tự nổi da gà ngạc nhiên khi đọc những gì mình đã viết. Và rồi tôi tự hỏi vì sao ngày xưa mình lại viết lách ổn như vậy. Câu trả lời có lẽ là vì trong khoảnh khắc ấy tôi đã dám “rút” sạch đống suy nghĩ tâm tư của mình ra, viết nó một cách chân thực nhất. Thế còn hiện tại? Hiện tại tôi chẳng là gì khác ngoài một kẻ bơ phờ thất thểu (kiêm thêm cả thất bại nữa cũng được). Tôi hoang mang trước sự khô cạn cảm xúc của mình. Khi bị giục viết bài, tôi vẫn đứng chôn chân và nghĩ liệu mình sẽ viết cái gì đây, chủ đề nào có thể làm mình hứng thú, và mình sẽ lại phải bắt đầu như thế nào,… Kết cục là tôi bại trận trong cuộc chiến tìm lại cảm hứng viết lách cho mình.

Hiện giờ là cuối năm, ngoại trừ kỳ thi hết kỳ đại học réo rắt vụn vặt ngoạm hết cái tháng 12 giá buốt này ra thì tôi còn ôm một mớ việc khác trên người. Tôi đi làm và ngoài ra còn chạy thêm sự kiện này nọ, rồi thì các dự án này kia, đến nỗi mà câu đầu tiên bạn bè hỏi tôi luôn là: “Mày chạy hết deadlines chưa?”. Nhưng tôi vui vì điều đó. Tôi không hẳn thích cảm giác mình bị hối thúc làm việc này việc nọ, nhưng tôi thích cái cảm giác mình luôn có việc để làm. Sẽ có người nói rằng chẳng qua mày rảnh rỗi thừa hơi quá đà nên mới thấy thế. Ồ thì đúng, cách đây 2 tháng tôi vẫn còn là một người trong đầu không có gì ngoài hai câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?” và “Có ai đi chơi không?”. Tôi nghĩ việc thay đổi dòng chảy cuộc sống là điều cần thiết, không cần biết bạn thay đổi như thế nào, cách thức ra sao, miễn đừng có thay đổi theo cái kiểu đi bay đi lắc rồi say xỉn lang chạ là được. Cái gì cũng vừa vừa phai phải thì tốt. Mỗi tội bây giờ người trẻ có vẻ hơi khó khăn trong việc phân định và nhìn nhận mức độ của hành vi và các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Cái này thì kể ra cũng khó.

Quay trở lại việc viết lách, kể từ lúc đi làm tôi đã có cơ hội được “động chạm” nhiều hơn với việc viết. Tại sao tôi lại nói là động chạm trong khi tôi vẫn duy trì việc viết lách từ thuở còn học cấp I cấp II đến nay, lý do là cái sự viết ở đây khác biệt hoàn toàn so với kiểu thông thường tôi vẫn viết. Viết nhưng lại phải ép nó vào một cái mạch chính, một chủ đề cụ thể, một cái khung nhất định, thậm chí viết còn phải mang tới điều này điều nọ cho người đọc, đạt được yêu cầu này tiêu chí kia, dường như cái sự viết nó được nâng lên như một sản phẩm phải đạt đủ các nguyện vọng mà người yêu cầu nó muốn đạt được. Chắc là cũng dễ, tôi đã nghĩ. Và rồi tôi vẫn làm được theo như những gì mà công việc bảo mình phải làm. Tôi gọt xén bớt cái cá tính quái gở mà mình thích thể hiện trong mỗi bài viết, giảm bớt đi cái chất ngông nghênh và có phần xéo xắc khi bày tỏ ý kiến về một vấn đề, tôi xoá bớt cái tôi của mình, làm nhạt đi sự khác biệt trong giọng điệu ngôn từ của bản thân, để lồng ghép sao cho vừa với những tiêu chuẩn mà công việc cho phép. Rồi cuối cùng tôi thành như bây giờ. Khô héo mốc meo như một miếng xơ mướp xù xì nông cạn.

Vì suy cho cùng, nếu như không giữ được sự chân thực thì dần dần bạn sẽ đánh mất chính bản thân.

Bạn bè tôi có rất nhiều người học báo, có người học ngoại giao, người học sư phạm, thậm chí có người làm nghề y nhưng vẫn là nhà thơ, có nhiều người có khả năng sáng tác cực đỉnh. Tôi nghĩ tố chất hình thành nên cá tính và thành công của một người chắc chắn phải có sự chân thật. Vì nếu toàn là đồ giả thì kiểu gì cũng sẽ có lúc bị phanh phui. Chẳng có thứ gì giả tạo mà kéo dài quá lâu được, vì bản chất của con người là thứ gì đó rất “nặng đô”, nếu như bạn cố gắng phủi nhẹm nó đi hoặc trùm lên cho nó những cái mác gắn chữ giả dối thì kiểu gì cũng có ngày bạn bị thiệt. Thiệt cả về tinh thần lẫn cảm xúc. Chẳng khác gì một cú chơi liều cực hại người cả. Thu lại có khi chẳng là bao nhưng kết cục lại là đau điếng cả tâm can nếu như chưa muốn nói là ê chề. Tốt nhất là chẳng nên giả dối, hãy cứ chân thật với cảm xúc của mình mà sống. Cái còn lại phụ thuộc vào sự khôn khéo và cách chọn lựa của chính bạn mà thôi.

Nếu như bạn không tin về “quyền lực” của sự chân thực thì tôi sẽ mời bạn đọc thử bài thơ này:

Mùa hè em hẳn là kem Tràng Tiền

Tôi đi đến phố Khâm Thiên

Bỗng rơi đâu mất tờ tiền để mua

Em luôn luôn khiến tôi thua

Khi tôi đấu với các Vua xứ Lười

Lười ăn, lười nói, lười cười

Nhưng không thắng nổi việc lười nhớ em

Em không thích tính lèm bèm

Cớ sao em để say em thế này?

Mắt, môi, mũi, miệng, tóc, tay

Một chạm đủ khiến

Say quá

Không viết nữa

Ước gì tôi có thể gõ hai từ “haha” vào đây nhưng như thế hơi không đúng mực cho lắm. Nhưng đó là bài thơ của một người bạn của tôi (hnaiamel) đã viết. Trước đây tôi còn là fan cuồng của cậu ấy vì thật sự thơ hay văn cậu ấy viết cực kì “chạm”. Nó chân thực đến mức bất ngờ. Chẳng cần cố tình chèn từ ngữ kiểu cách hay biện pháp ẩn dụ nhân hoá như các cụ ngày xưa, cứ cảm xúc thật mà đổ vào, thế phải hay hơn không? Dĩ nhiên tôi không nói việc thêm thắt những dụng ý nghệ thuật là không hay (bởi nếu như làm được đến trình độ ấy thì bạn quá giỏi rồi), nhưng nếu yêu viết lách thì lời khuyên chuẩn nhất ấy chính là sự chân thật. Hãy cứ chân thật là mình thôi và để cảm xúc cầm bút, “đừng dùng não quá nhiều với thằng cha cảm xúc” – tôi vẫn thường nói với bạn bè như vậy.

Thực ra có một bí mật là khi bắt đầu gõ lạch cạch những chữ đầu tiên của bài này, trong đầu tôi chẳng có gì hết. Tôi còn không hiểu mình đang gõ cái gì và mình sẽ nói đến thứ gì tiếp theo. Tôi thật sự đã để ngôn từ dẫn đường và cảm xúc tự thân viết lách, ra sao thì nó sẽ là như thế. Có thể đây sẽ là một bài viết cực dở, hoặc có thể sẽ là bài dở nhất trong tất cả những bài trước đây tôi từng viết. Nhưng tôi nguyện để cho nó dở ẹc thay vì ngồi uốn nắn lại từng câu chữ một cách máy móc cầu kì. Tôi cần tìm lại sự chân thật tôi đã bỏ quên trong tâm can mình, để có thể được nhiều lần nữa viết lách, dẫu cho sự chân thật ấy của tôi có là nhạt nhẽo hay xấu xí, tôi vẫn cần có nó hơn tất thảy thứ gì trên đời này.

Chị Nguyễn Ngọc Tư có viết: “Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò…”

Cô đơn cũng là một đứa con tinh thần mà tôi rất quý, nhưng để kết thúc bài này, tôi sẽ thiên vị một đứa con khác, đó chính là sự chân thật.

Hãy luôn ghi nhớ trong đầu hai chữ ‘chân thật’ mỗi khi cầm bút viết.