“Dear dượng,
Con là Y Thiên, người dân tộc Ê Đê, năm nay 24 tuổi. Con sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Đăk Lăk. Một lần đi rẫy, mẹ con chẳng may dính phải đạn pháo còn sót lại, hôn mê bất tỉnh, ơn Yang phù hộ, mẹ qua cơn hoạn nạn. Nhưng đến khi mẹ chuẩn bị sinh đứa con thứ 6 (nhà 8 anh chị em, con thứ 6), thì mẹ bắt đầu phát bệnh. Mẹ hay đi rong, nhiều hôm phải đi tìm mất 1-2 ngày trong rừng, con sinh ra trong rừng nên được đặt tên là “Rõh”, có nghĩa “người đi rong”. Ba cũng chẳng ở bên gia đình được lâu, năm con học lớp 8, ba bị bệnh nặng và ra đi mãi mãi. Cả 4 anh chị đầu đều phải nghỉ học để làm rẫy, nuôi 4 đứa em và mẹ. Trong nhà, chỉ có con học tới đại học, là sinh viên đầu tiên của buôn làng.
Hoàn thành chương trình cấp 3, con thi đỗ ĐH kinh tế Luật thuộc ĐH Quốc gia Tp HCM. Con luôn mong làm được một điều gì đó có ích cho quê hương cộng đồng của mình. Sang năm 2, con thành lập 1 CLB sinh viên Tây Nguyên, mục đích để các bạn giao lưu thể thao, văn hóa, chia sẻ kiến thức, giúp đỡ các em học sinh ở quê, làm tình nguyện. Đây là quãng thời gian đẹp đẽ và ý nghĩa nhất thời sinh viên của con.
Ra trường xong, con quyết định về nhà để lập nghiệp, tạo công ăn việc làm giúp bà con mình. Nhưng kinh nghiệm chẳng có, trở về vài ngày rồi lại bất lực ra đi, nhìn cái nghèo của bà con trong buôn mà lòng đau nhói. Con đăng ký chương trình đi thực tập sinh nông nghiệp Israel năm nay, tháng 8 này là lên đường. Con muốn tận mắt tận tay nhìn thấy làm cách nào người Do Thái giàu có từ sa mạc chỉ toàn cát nóng. Mọi thứ đều đã xong, giờ chỉ còn 40 triệu nữa là đủ cho chi phí visa, vé máy bay và chút tiền lận lưng. Nhưng là một con dượng, con không bao giờ xin ai, cho nên con sẽ lao động để có số tiền trên. Con làm đủ việc, đi phát tờ rơi từ mờ sáng đến khuya, về tắm rửa rồi vọt lên phố Tây Đề Thám để chạy xe ôm, nhưng chẳng có bao nhiêu dượng à. Do con biết nói tiếng Ê Đê, Rắc Lây, Kinh, tiếng Anh…lưu loát nên được nhiều người nhờ đứng hội chợ nông nghiệp Tây Nguyên. Cũng ở hội chợ đó, con quen được anh Rosh và chị Rolan, hình mẫu của doanh nghiệp của con sau này.
Chị Rolan người K’HO, trước đây là diễn viên đoàn cồng chiêng khu du lịch đồi Mộng Mơ Đà Lạt, còn anh Rosh là người Mỹ. Một lần đến Đà Lạt du lịch, anh say đắm và theo chị về đỉnh Lang Biang, cưới chị và định cư ở đây, bỏ cả xứ Michigan hoa lệ. Đỉnh Lang Biang là nơi người Pháp thí nghiệm trồng những cây cà phê Arabica đầu tiên mang từ Yemen về. Những cây cà phê ấy bây giờ vẫn còn, được anh chị hái thủ công, giã bằng chày, rang bằng hơi nóng gián tiếp theo máy móc của bên Mỹ, 100% organic và xuất khẩu cho giới nhà giàu bên Tây, vì gu cà phê cổ này là gu cà phê hoàng tộc.
Cà phê Arabica nói chung có hàm lượng Caffein rất thấp, không gây ép tim say cà phê, uống 10h đêm thì 12h vẫn ngủ được. Loại cà phê này có màu nâu cánh gián, vị chua thanh như trái cây, có thể không quen với gu người Việt nhưng một khi đã uống 3 ly rồi, khó mà quên được vì sự sảng khoái và hơi thở thơm sang trọng do cà phê này mang lại. Chị đặt tên thương hiệu là cà phê K’ho, tức tên dân tộc mình.”
Các bạn thân mến. Rừng suối có thể cạn kiệt, với những con người đầy tâm huyết và nghị lực như Y Thiên, Tây Nguyên rồi đây sẽ xanh tươi.
“Trời Tây Nguyên xanh
Hồ trong nước xanh
Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh
Bài ca Tây nguyên em yêu trọn đời
Cầm tay anh đưa em đi trên đường dài.
Ê ế ê… Những con đường đất đỏ
Lượn vòng trên cao nguyên…”