Nội lực giống như một hạt giống, nó không thể tự nhiên phát triển trên mảnh đất khô cằn và thiếu dưỡng chất. Muốn khai phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong, bạn phải “tưới tắm” tâm hồn bằng những suy nghĩ tích cực, trau dồi kiến thức (vì hiểu biết chính là con đường dẫn chúng ta thoát khỏi sự vô minh) và đặc biệt là nuôi dưỡng sự tự tin.
Mỗi người đều sở hữu sức mạnh bên trong (hay còn gọi là nội lực) – thứ sức mạnh vượt xa những gì chúng ta nhận thức được. Đáng lẽ ra, trong quá trình trưởng thành, con người sẽ ngày càng khai thác và rèn luyện được sức mạnh vô hình này, nhưng đôi khi, vì nhiều lý do, người ta lại lãng quên nó. Mức độ nội lực của bạn bị chôn vùi phụ thuộc vào những rào cản đến từ cuộc sống. Đó có thể là những ám ảnh thời thờ ấu, một trải nghiệm muốn quên đi hay những tổn thương trong cuộc sống hiện tại. Bằng cách tước đoạt sự tự tin, những rào cản này khỏa lấp sức mạnh tiềm ẩn bên trong, khiến bạn không nhìn thấy những “món quà” được tạo hóa ban cho ngay từ khi bạn sinh ra. Tuy nhiên, nội lực không bao giờ mất đi. Chúng vẫn luôn chờ đợi, không ngừng vẫy gọi bạn khai phá.
NỘI LỰC LÀ GÌ?
Thật khó để phân tích và mô tả chính xác hình thái của nội lực. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy nó thông qua phản ứng của con người. Những người có nội lực không nhất thiết phải cao to, khỏe mạnh hay toát lên vẻ hung dữ, đôi khi họ trông khá mảnh khảnh với gương mặt dịu dàng, phúc hậu. Nói chung, bề ngoài không quyết định bạn mạnh mẽ như thế nào.
Nhưng, bạn sẽ thấy một số người luôn toát ra thần thái an nhiên, tĩnh tại. Họ luôn bình thản đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống. Đó có thể là những lời nói tử tế dành cho người lạ (chứng tỏ họ không phán xét hoặc bình phẩm khi chưa hiểu rõ người khác), là sự bình tĩnh trước những lời lẽ xúc phạm của người khác (và dùng lý lẽ để giải quyết vấn đề thay vì hạ thấp danh dự của nhau). Đó cũng có thể là hành động mạnh mẽ như đứng lên đấu tranh trước sự bất công, hoặc lựa chọn bất bạo động trước những tình huống tranh cãi. Nội lực biến hóa muôn hình vạn trạng, nhưng luôn có điểm chung là giúp bạn vững tâm đối mặt với khó khăn.
Trong khi đó, những người không có nội lực sẽ có xu hướng xây dựng cho mình một vỏ bọc mạnh mẽ, đôi khi sử dụng quyền lực để áp chế người khác, dễ cáu giận và ít khi lắng nghe. Chính vì nội tâm không vững vàng nên họ luôn cảm thấy thiếu an toàn. Thay vì lắng nghe tiếng nói bên trong để phân biệt phải – trái, đúng – sai, họ cho mình cái quyền tổn thương người khác vì những lý do cá nhân, đồng thời đòi hỏi người khác phải hiểu và thông cảm cho những lý do đó.
Có thể nói, nội lực mang lại cho chúng ta khả năng phục hồi sau mỗi lần vấp ngã, kiên trì, bền bỉ theo đuối mục tiêu, tin tưởng vào lẽ phải và nhất quán trong hành động. Nó giống như một bức tường bảo vệ bằng nước, mềm dẻo, linh hoạt nhưng bất khả xâm phạm. Nó giúp chúng ta nhận chân và “miễn nhiễm” trước những rối ren của hành vi xã hội, ứng xử văn minh, tìm thấy phương pháp khi có vấn đề xảy ra, hạn chế làm tổn thương người khác và vì thế mà duy trì các mối quan hệ một cách tốt đẹp hơn.
Chúng ta rất cần sức mạnh nội tâm đó trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phải không?
ĐÁNH THỨC NỘI LỰC BẰNG VIỆC NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN
Nội lực giống như một hạt giống, nó không thể tự nhiên phát triển trên mảnh đất khô cằn và thiếu dưỡng chất. Muốn khai phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong, bạn phải “tưới tắm” tâm hồn bằng những suy nghĩ tích cực, trau dồi kiến thức (vì hiểu biết chính là con đường dẫn chúng ta thoát khỏi sự vô minh) và đặc biệt là nuôi dưỡng sự tự tin.
Tại sao sự tự tin lại quan trọng đến như vậy?
Vì sự tự tin khiến bạn tin vào chính mình, tin vào những điều mình cho là đúng và công nhận những khả năng vốn có của bản thân. Chấp nhận giá trị bản thân khiến bạn ngẩng cao đầu một cách tự nhiên (chứ không phải tự cao, tự đại), có lòng tự trọng và tự hào về con người mình. Sự tư tin sẽ giải thoát bạn khỏi những nghi ngờ và cảm giác ngập ngừng, lo lắng khi phải đưa ra quyết định.
Càng tự tin, bạn càng dễ chấp nhận những điểm mạnh và yếu của bạn thân. Bạn hiểu con người không ai hoàn hảo nên sẵn sàng học hỏi, lắng nghe, xử lý thông tin để đạt những “lợi ích” tốt nhất cho bản thân mình.
Cảm giác tự tin không đến từ những lời khen hay sự “vuốt ve” của người khác. Nếu bạn cảm thấy cần có động lực từ sự công nhận của mọi người, có lẽ bạn chưa hoàn toàn tự tin vào bản thân mình. Một người tự tin biết rằng sự tán dương là điều tất yếu vì họ đã hoàn thành tốt nhất trong khả năng, nhưng nếu không được công nhận, họ cũng không buồn bã hay bỏ cuộc. Họ tin vào những điều mình làm và hướng đến mục tiêu lâu dài. Sự tự tin khiến bạn không còn phụ thuộc vào những đánh giá của người khác, vì thế mà không phải loay hoay thay đổi để phù hợp với những giá trị khác với giá trị bản thân. Bạn hoàn toàn tự do trong các mối quan hệ xã hội.
Sự tự tin cũng cho bạn nhiều năng lượng và động lực để hành động. Bạn tin rằng mình có thể đạt được điều mình muốn nếu thực sự cố gắng. Bạn có sợ hãi trước những thách thức không? Có! Nhưng bạn cũng sẵn sàng vượt qua chúng. Bạn biết nỗi sợ là điều cần thiết để thúc đẩy bạn tiến lên, vượt qua những giới hạn của bản thân. Bạn biết rằng chẳng có điều gì đạt được dễ dàng, vì nếu dễ dàng thì nó sẽ không có giá trị.
Và, đừng nghĩ rằng tự tin khiến bạn trở nên xa cách với mọi người. Như đã nói, những người tự tin và có nội lực luôn mang lại cảm giác thoải mái cho người khác. “Thần thái” của họ toát ra từ sự hạnh phúc, hài lòng với bản thân. Họ không đánh giá, phán xét người khác hay vướng vào tranh cãi, cũng như không đòi hỏi người khác phải nhường quyền lợi cho mình. Họ độc lập, sáng suốt và có khả năng đưa ra những lời khuyên thấu tình đạt lý. Vì những phẩm chất này, họ thường có xu hướng được người khác tin tưởng, tôn trọng, yêu quý, dễ hợp tác và dễ thành công hơn trong công việc.